+
Aa
-
like
comment

Hành trình truy bắt ‘Nam Rồng’, kẻ sát nhân trốn xuyên Việt

29/01/2022 15:55

Sau khi gây án, ‘Nam Rồng’ liên tục di chuyển qua nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước, hành tung thoắt ẩn, thoát hiện, sống dưới vỏ bọc của ‘anh chị xã hội’… khiến cảnh sát truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.

Bị can trốn truy nã Nguyễn Phương Nam – Ảnh: VIẾT CHIẾN

Giết người, trốn truy nã

Thực hiện cao điểm truy bắt tội phạm trốn truy nã của Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) giao Phòng Truy nã, truy tìm, xác lập chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt Nguyễn Phương Nam (35 tuổi, quê Lạng Sơn, còn gọi là Nam Rồng) về hành vi giết người.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 5-2021, Nam chở bạn gái tới nhà trọ tại phường Long Bình Tân, (Biên Hòa, Đồng Nai) chơi. Tại đây, Nam xảy ra mâu thuẫn với anh T.V.T. (32 tuổi).

Nam sau đó cùng bạn xã hội là Nguyễn Văn Hải (29 tuổi) dùng dao chém liên tiếp khiến anh T. chấn thương nặng và tử vong. Gây án xong, Hải bị bắt còn Nam bước vào “hành trình bỏ trốn”.

Theo cảnh sát, Nam Rồng có 5 tiền án, tiền sự về các hành vi như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng.

Nam thường xuyên ăn chơi, lêu lổng, nghiện ma túy, là “cánh tay phải” đắc lực chuyên đi đòi nợ thuê giúp các “anh chị xã hội”.

Đáng chú ý, Nam xăm trổ kín người và có xăm hình con rồng lớn trước vùng ngực nên được “dân giang hồ” gọi là “Nam Rồng”.

Quyết định truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai đói với Nguyễn Phương Nam – Ảnh: VIẾT CHIẾN

100 ngày đêm lần theo dấu vết

Nhận nhiệm vụ khi không có bất kỳ manh mối nào về nơi ẩn náu của Nam, thượng tá Nguyễn Hùng Quân (phó Phòng truy nã, truy tìm ), thượng úy Đinh Viết Chiến (trinh sát), cùng các đồng nghiệp phải bắt đầu hành trình “lần theo từng dấu vết nhỏ nhất”.

“Điều chúng tôi lo sợ nhất là trong lúc lẩn trốn, “Nam Rồng” có thể gây án mới. Vì vậy, cách ngăn chặn duy nhất là phải bắt càng nhanh càng tốt”, thượng tá Quân nhận định.

Một ngày đầu tháng 7-2021, thượng úy Đinh Viết Chiến dẫn đầu một tổ công tác đi vào hiện trường xảy ra vụ án ở Biên Hòa (Đồng Nai). Tại đây tổ công tác dựng lại vụ việc, tìm hiểu và đánh giá các mối quan hệ của Nam.

Tuy nhiên, không ít lần tổ công tác vượt hàng nghìn kilomet, vào Nam ra Bắc nhưng trở về “tay trắng” khi mọi nỗ lực chưa mang lại kết quả.

Nhận định nhiều khả năng “Nam Rồng” sẽ tìm về quê nhà thăm bố mẹ, thượng úy Chiến cùng tổ trinh sát quyết định ngược lên TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với hy vọng tìm ra những manh mối đầu tiên về hành tung của anh ta.

Mọi việc không “thuận buồm xuôi gió”, các trinh sát nhiều lần vận động nhưng gia đình bị can không hợp tác, luôn tìm cách né tránh cơ quan công an.

Các trinh sát sau đó chia thành các mũi đi rà soát, gặp hàng trăm người quen của Nam, vận động “người nào biết thông tin, hành tung của bị can trốn truy nã này hãy chia sẻ, báo cho cảnh sát”.

“Là đối tượng cộm cán, có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp nên Nguyễn Phương Nam rất cảnh giác, di chuyển qua nhiều địa bàn, đi đến đâu cũng thay tên đổi họ, núp dưới vỏ bọc, sự bao che của các “anh chị xã hội” nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng”, trinh sát đánh giá.

Đến tháng 9-2021, ban chuyên án bất ngờ nhận được “tín hiệu” quan trọng từ quần chúng báo “Nam Rồng đang ở Hà Nội”. Ngay lập tức, ban chuyên án tổ chức cuộc họp gấp, lên kế hoạch theo dõi, vây bắt.

“Việc xác định hành tung của “Nam Rồng” mất rất nhiều công sức, phải rà soát hàng trăm đầu mối.

Những ngày thời tiết mưa, lạnh, các trinh sát hầu như không chợp mắt. Chúng tôi cố gắng bám trụ địa bàn, mật phục cẩn thận, luôn đặt anh ta trong tầm ngắm, vì sợ bứt dây động rừng”, trinh sát Chiến kể.

“Nam Rồng” thời điểm bị bắt giữ – Ảnh: VIẾT CHIẾN

Cuộc vây bắt

Sau nhiều tháng ròng rã mật phục theo dõi, trinh sát đã khớp nối được các dữ liệu, nắm rõ quy luật hoạt động, giờ giấc đi lại của “mục tiêu”.

4h sáng 7-1-2022, 8 trinh sát được trang bị súng, áo chống đạn, còng số 8… mặc thường phục, tỏa ra mai phục xung quanh khu nhà trọ Nam đang ở tại Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội) để theo dõi di biến động.

Một nhóm trinh sát khác đi xe máy, mật phục trên đoạn đường dẫn đến nơi Nam đang làm việc, sẵn sàng chờ lệnh từ chỉ huy.

7h sáng cùng ngày, phát hiện Nam ra khỏi nhà, điều khiển xe máy chuẩn bị đến công ty, nhóm trinh sát liền ra tín hiệu cho đồng đội qua bộ đàm, âm thầm bám theo.

Đúng như dự tính, khi anh ta chạy xe đến ngã tư đường Nguyễn Trãi giao với Nguyễn Xiển, lợi dụng lúc dừng đèn đỏ, đường đông người, thượng úy Đinh Viết Chiến hô lớn: “Chúng tôi là cảnh sát hình sự, đề nghị bị can Nguyễn Phương Nam đứng im, giơ tay lên”. Cùng lúc, các mũi trinh sát lao vào bao vây, tạo thế gọng kìm.

Thấy vậy, Nam vứt xe, bỏ chạy được 5m thì bị các trinh sát ập vào khống chế, nhanh chóng bắt giữ.

Tại cơ quan công an, Nam khai nhận, sau khi giết người, Nam trốn lên nhà một người bạn ở Đắk Lắk. Được một thời gian, biết mình bị truy nã gắt gao nên Nam vượt biên sang Campuchia.

Tại đây, Nam làm nghề canh sòng bạc casino và “bảo kê”. Nhưng do tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, không làm ăn được, hắn ta bị “mắc kẹt” ở đây nên chuyển hướng “hành nghề” trộm cắp, kiếm tiền sinh sống qua ngày, đồng thời tìm cách về lại Việt Nam.

Đến cuối 7-2021, Nam về Việt Nam và đến Bắc Giang trông quán game cho một người anh. Ba tháng sau thấy mọi việc đã yên ắng, nghĩ công an đã quên mình, anh ta liền xuống Hà Nội, lấy tên giả là Nguyễn Văn Chung, xin làm bảo vệ cho một công ty xây dựng..

Bắt 25 đối tượng trốn truy nã trong vòng 1 tháng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Trần Ngọc Cường, trưởng Phòng Truy nã, truy tìm, cho biết từ 15-12-2021 đến 15-1, đơn vị đã bắt và vận động đầu thú 25 đối tượng trốn truy nã. Trong số có 5 tội phạm truy nã có yếu tố nước ngoài, 6 tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm và 4 trường hợp trốn 17-24 năm”.

“Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến công tác truy bắt tội phạm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp phòng chống dịch và đạt chỉ tiêu cao hơn gấp đôi so với chỉ tiêu được lãnh đạo C02 giao”, đại tá Cường nói.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều