+
Aa
-
like
comment

Hành trình rời tâm dịch Đà Nẵng

15/08/2020 11:08

Tưởng rằng không thể lên chuyến bay ‘giải cứu’ du khách khỏi Đà Nẵng nhưng cuối cùng, mẹ con chị Dung đã rời tâm dịch để về Hà Nội sau nhiều ngày mắc kẹt.

Tôi là Trần Thị Dung (37 tuổi, giáo viên ở Hà Nội). Nhiều ngày qua, tôi và 2 con không thể rời Đà Nẵng vì thành phố được phong tỏa để chống dịch Covid-19. Bất ngờ, chiều 10/8, tôi nhận được cuộc gọi thông báo sẽ về Hà Nội trên chuyến bay lúc 16h30 ngày 13/8.

Tôi khẩn trương thu dọn hành lý để sẵn sàng ra sân bay. Ba mẹ con tôi đến Đà Nẵng thăm ông, bà từ đầu tháng 7. Sau đó, tôi quay lại Hà Nội coi thi. Ngày 27/7, tôi vào đón con thì bị kẹt lại vì lệnh phong tỏa.

Trong lúc tôi dọn hành lý, các con tôi quấn quýt bà ngoại. Các cháu ôm hôn bà, không muốn rời đi.

Được thông báo cần sớm ra sân bay làm thủ tục, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị mọi thứ. Việc không thể quên là trang bị dụng cụ bảo hộ, khẩu trang phòng dịch.

12h45 phút ngày 13/8, chúng tôi tạm biệt ông, bà. Trước đó một ngày, tôi tưởng 3 mẹ con tiếp tục kẹt lại Đà Nẵng khi danh sách lên máy bay không có tên mình. Sau đó, được Sở Du lịch hướng dẫn, tôi bổ sung thông tin và kịp lên chuyến bay như dự định.

Em trai lái ôtô chở chúng tôi ra sân bay Đà Nẵng cách nhà khoảng 10 km.

Trên đường ra sân bay, chúng tôi đi ngang cầu Thuận Phước, công trình giao thông biểu tượng của Đà Nẵng. Vẫn là cảm giác như thời gian từng ở thành phố này, tôi lo lắng cho người thân của mình, nhất là mẹ tôi – bà đã lớn tuổi nhưng phải hàng ngày đi chợ.

Sau khoảng 20 phút di chuyển, 3 mẹ con có mặt tại sân bay. Hơn 13h, tôi được hướng dẫn vào làm thủ tục và ký gửi hành lý.

Các con tôi đứng chờ phía ngoài. Cùng với việc đeo khẩu trang, tôi chuẩn bị cho bọn trẻ kính mắt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Trong lúc chờ làm thủ tục, tôi nhớ về những ngày vừa qua. Tôi thấy người Đà Nẵng có ý thức phòng dịch; nhiều nhà hảo tâm, tình nguyện viên hết mình vì cộng đồng. Tôi cũng tự hào về mẹ tôi, người hàng ngày nấu cơm gửi các chiến sĩ ở chốt kiểm dịch gần nhà.

Xong thủ tục cần thiết, chúng tôi được tình nguyện viên phát tặng 3 bộ quần áo bảo hộ. Mọi người được khuyến cáo nên mặc từ lúc ở sân bay cho đến khi về khu cách ly.

Tôi tranh thủ mặc trang phục bảo hộ trước khi vào kiểm tra an ninh.

Tôi không cảm thấy cồng kềnh hay gặp bất kỳ khó chịu nào khi mang trang phục này. Ngược lại, nó mang đến cho tôi cảm giác an toàn.

Sau đó, tôi hỗ trợ các con mặc đồ bảo hộ. Bọn trẻ thích thú vì bộ quần áo rộng, kín và lạ mắt.

Đến giờ lên máy bay, mọi người được khuyến cáo hạn chế giao tiếp, giữ khoảng cách 1-2 m. Tôi hài lòng về dịch vụ tại sân bay. Các nhân viên đón tiếp lịch sự, luôn giữ khoảng cách như khuyến cáo của ngành y tế.

Sau khoảng 1 h, máy bay hạ cánh xuống Cảng hàng không Nội Bài. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã đến nơi an toàn. Biết còn phải trải qua 14 ngày cách ly nhưng cả nhà đều yên tâm. Tôi nghĩ về bố mẹ ở Đà Nẵng, thật lòng vẫn rất lo vì mọi người còn ở tâm dịch.

Chúng tôi sau đó di chuyển đến khu cách ly bằng ôtô. Nơi này cách sân bay khoảng 60 km, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Di chuyển đường dài khiến tôi và các con cảm thấy mệt. Nhưng tâm trạng mọi người đều ổn khi xác định việc cách ly là để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Nơi chúng tôi ở là một đơn vị quân đội, có hàng trăm phòng thoáng mát. Tôi cảm động trước sự đón tiếp của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô. Họ thật sự nhiệt tình, hỗ trợ chúng tôi với thái độ ân cần.

Tôi và các con được phát cơm hộp, sữa, thức uống và một ít trái cây. Bọn trẻ ăn ngon lành. Chúng nói rằng đồ ăn ở đây ngon hơn cơm mẹ nấu.

Nơi ở của chúng tôi được phun hóa chất khử khuẩn thường xuyên. Dung dịch này có mùi nên những lúc như vậy, chúng tôi ra ngoài hành lang chờ đợi. Tiếng ồn của động cơ khiến bọn trẻ phấn khích, nói cười rôm rả.

Chào mọi người! Chúng tôi thật an tâm ở khu cách ly này. Cán bộ ở đây thân thiện, cơ sở vật chất tốt, mọi thứ chỉn chu và thông thoáng. Cách ly cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi. Việc học của các con cũng không bị gián đoạn vì đang nghỉ hè. Chúc mọi người sức khỏe, bình an!

Trần Dung – Phạm Ngôn/ZN

Bài mới
Đọc nhiều