Hành trình hồi sinh cho hai bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam
Dù đã ba lần ngưng tim và nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch, nhưng bệnh nhân số 19 (bác gái của bệnh nhân 17 – ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội) đã được các bác sĩ hội chẩn liên tục để đưa ra những phác đồ hiệu quả nhất, cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục. Đây là một trong hai ca nặng nhất tại Việt Nam được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cứu chữa thành công.
Trong số ba bệnh nhân nặng đang được điều trị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nỗ lực mang lại cuộc sống mới cho hai bệnh nhân nặng gồm BN 19 và BN 161. Nếu như BN 161 cao tuổi, mắc bệnh lý nền xuất huyết não thì BN 19 cũng là ca đặc biệt nặng khi là một trong hai ca phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo).
GS, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay, bệnh nhân 19 có thời gian điều trị lâu nhất với hơn hai tháng điều trị. Bệnh nhân phát hiện mắc bệnh từ 6-3 đến nay. Từ ngày 15-3, bệnh nhân bắt đầu phải thở máy. Ngày 20-3 bệnh nhân chính thức được can thiệp ECMO và duy trì sự sống bằng ECMO suốt 17 ngày. Trong suốt quá trình ấy, bệnh nhân phải lọc máu liên tục và đã có ba lần ngừng tim.
BS Kính cho hay, trong quá trình điều trị, BN19 đã có nhiều lúc rơi vào nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi. Trong ba lần ngừng tim, có lần bệnh nhân ngưng tim tới 40 phút, các bác sĩ phải nỗ lực ép tim liên tục để bệnh nhân có tim đập trở lại. Nhờ vào sự giám sát theo dõi tuyệt vời về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của các y, bác sĩ chăm sóc trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sự hỗ trợ và hội chẩn thường xuyên bằng phương án điều trị phù hợp của Hội đồng chuyên môn, của các chuyên gia, BN19 đã trải qua những ngày nguy kịch để chuyển sang tình trạng nặng và hồi phục tốt như hiện nay.
Theo Tiểu Ban điều trị, đến nay bệnh nhân tự thở khí phòng vào ban ngày và đến chiều tối, bệnh nhân thở ô-xy kính 11/p, phổi thông khí rõ. Bệnh nhân tỉnh, giao tiếp tốt, cơ lực cải thiện, không sốt. Đến chiều 11-5, BN19 nhìn rất tỉnh táo, ăn uống được, có thể vẫy tay chào các y, bác sĩ và trò chuyện ngắn với mọi người chung quanh.
Chia sẻ về một cuộc sống mới sau khi bước qua cửa tử, BN 19 cho biết, lúc mới vào viện, bà vẫn ăn ngủ bình thường, thậm chí còn thấy ăn uống ngon miệng nhưng sau đó rơi vào hôn mê lúc nào không biết. Một ngày tỉnh dậy, thấy mình đang phải thở ô-xy và nằm phòng điều trị riêng biệt, người yếu không có sức, chân tay không nhấc nổi, bà cũng chưa hiểu rõ lắm về bệnh tình của mình. “Sau này nghe mọi người kể mới biết, bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới sức khỏe kinh khủng tới vậy. Rất may là các bác sĩ Việt Nam điều trị giỏi, nếu không tôi cũng không qua được”, BN 19 chia sẻ.
Con trai của bệnh nhân từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội từ ngày 16-3 để chăm sóc mẹ kể lại, lúc được thông báo tình trạng mẹ nguy kịch, ngừng tim, gia đình đã tuyệt vọng, chỉ cầu mong vào một phép màu đến với mẹ. Thật may mắn, với nỗ lực điều trị của các bác sĩ, bà đã dần bình phục.
“Các bác sĩ đã hết mình để cứu mẹ tôi và hỗ trợ chăm sóc bà trong suốt thời gian cách ly. Chúng tôi được các bác sĩ hướng dẫn hằng ngày nói chuyện để động viên tinh thần cho bà tốt hơn, giúp tiến trình hồi phục nhanh hơn. Mỗi ngày, gia đình đều tập cho bà đi lại từng chút một, cho bà hít thở không khí để cơ thể khỏe hơn”, con trai BN 19 kể.
Một trong những ca bệnh nặng cũng đã được BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị thành công và công bố khỏi bệnh ngày 8-5 là bệnh nhân 161. Đây là bệnh nhân Covid-19 cao tuổi nhất Việt Nam (88 tuổi) có kèm bệnh lý xuất huyết não, liệt nửa người được công bố mắc Covid-19 ngày 14-4.
BS Mạc Duy Hưng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc chăm sóc cho bệnh nhân 161 rất nhiều thách thức vì bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, nhiều nguy cơ, không thể vận động do xuất huyết não. Thời điểm căng thẳng nhất khi bệnh nhân mới lên khoa, được xác định là một trong những ca bệnh nặng nhất. Các y, bác sĩ túc trực thường xuyên để chăm sóc người bệnh từng phút, điều chỉnh từng thông số và thuốc sử dụng.
Rất may, bệnh nhân đáp ứng điều trị, cải thiện dần sức khỏe. Bệnh nhân đã cải thiện, bỏ máy thở, không tràn dịch màng phổi. “Bệnh nhân hồi phục phụ thuộc rất lớn vào khả năng trong đáp ứng điều trị. Bệnh nhân rất may mắn và chúng tôi cũng chỉ đóng góp chút công sức giúp thêm ý nghĩa cho sự hồi phục của bệnh nhân”, BS Hưng nói.
Bệnh nhân 161 đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh Covid-19 ngày 8-5. Bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị chuyên khoa về di chứng xuất huyết não.
Sự hồi sinh của hai bệnh nhân Covid-19 nặng là nỗ lực vượt qua những thách thức rất lớn của ê-kíp y, bác sĩ Việt Nam trong một hành trình rất dài, tưởng chừng nhiều lần phải bỏ cuộc. Thời gian qua, hàng chục cuộc hội chẩn từ các chuyên gia đầu ngành đã diễn ra, các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng luôn trong tình trạng khẩn trương để thay đổi phác đồ điều trị liên tục cho ca bệnh, vừa điều trị Covid-19, vừa giải quyết bệnh lý nền của người bệnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị cho đông bệnh nhân Covid-19 nhất tại Việt Nam, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng mắc những bệnh lý nền phức tạp. Hiện chỉ còn 14 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại đây và tất cả đều đang có diễn biến sức khỏe rất tốt.
THIÊN LAM/ND