Hành trình dẫn đầu Đông Nam Á

Đông Nam Á được biết đến một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Dù vậy, rất nhiều quốc gia thuộc khu vực “đầy khói” này dường như không quan tâm đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng, theo The Economist, Việt Nam lại là một điểm sáng trên bản đồ đen tối trở thành người dẫn đầu.

Trích số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có công suất điện Mặt Trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020.

Bên cạnh đó, khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam có được là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.

Theo WB, hơn 39% khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 mét/giây (m/s), tương đương công suất 512 GW. Việt Nam có tiềm năng lớn, với 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại điện gió lớn.

Gần đây, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của quang điện Mặt trời. Công suất điện Mặt trời tăng từ 86 MW vào năm 2018 lên khoảng 16.500 MW vào năm 2020. Đây được cho là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam khỏi than đá.

Nhấn mạnh cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và giảm lượng khí thải ròng của Việt Nam về mức bằng 0 vào năm 2050.

Các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nâng cao cuộc chơi của mình có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện Mặt Trời so với năm 2019.

Trang The Economist khẳng định, “thành tích phi thường” này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn. Và việc quá phụ thuộc than đá đã khiến tình hình giảm phát thải càng thêm khó khăn

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm so với tốc độ tăng trưởng của ngành điện toàn cầu.

Trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tái tạo, các nhà quản lý gặp phải nhiều khó khăn, thách thức về phương án sử dụng đất, nguồn vốn, đấu nối vào lưới điện quốc gia, giải tỏa công suất, về hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả kinh tế, về nguồn dự phòng, về cơ chế chính sách…

Theo The Economist, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải nỗ lực vượt bậc để hiện thực hoá tham vọng này.

Với tính chất phức tạp của ngành, đòi hỏi đầu tư lớn và thời gian triển khai, phát triển dài từ 7 đến 8 năm tại các thị trường mới, các nhà đầu tư có năng lực thường phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư quy mô lớn vào một thị trường mới.

Do đó, việc Chính phủ đưa ra một lộ trình rõ ràng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý/quy định là điều kiện tiên quyết để củng cố sự tự tin và đảm bảo các cam kết của các nhà đầu tư, nhà cung cấp quốc tế đối với việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, theo The Economist.

Bảo Trâm (Theo The Econimist, NBR)