+
Aa
-
like
comment

Hành trình của nữ cường nhân Việt trong ngành công nghệ Mỹ

19/01/2020 10:51

Mày mò tìm hiểu các bảng mạch khi còn là một cô gái nhỏ tuổi, TS Trần Mỹ An (53 tuổi) hiện giữ vị trí quan trọng tại Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), và đến nay đã có hơn 400 bằng sáng chế được công nhận.

TS Trần Mỹ An cùng các cộng sự /// NVCC
TS Trần Mỹ An cùng các cộng sự

Bà đã học tập và nghiên cứu từ nhiều đại học hàng đầu của Mỹ. Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Trần Mỹ An đã chia sẻ về hành trình sự nghiệp của bà.

Trước tiên, bà có thể chia sẻ về công việc hiện tại ở Tập đoàn Qualcomm?

Tôi đang giữ vị trí giám đốc kỹ thuật cấp cao của một đơn vị cấp phép công nghệ trực thuộc Tập đoàn Qualcomm. Cụ thể hơn, tôi đứng đầu một bộ phận chuyên cung cấp các dự án về kết nối không dây, đa phương tiện tiên tiến cho đối tác. Tại Qualcomm, tôi cũng quản lý các chương trình hợp tác nghiên cứu với các trường đại học trên thế giới. Liên quan Việt Nam, thì tôi đang hợp tác cùng các nhóm ở Việt Nam để tổ chức đào tạo cho đội ngũ nhân sự của đối tác tại đây.

Kiến thức đa ngành giúp phát triển sản phẩm toàn diện

Bà đã trải qua hành trình thế nào từ học tập, nghiên cứu đến làm việc trước khi về đầu quân cho Qualcomm?

Từ nhỏ, tôi mong muốn trở thành một kỹ sư. Thuở nhỏ, khi còn sống ở Việt Nam, tôi đã bắt chước theo bố để mày mò các bảng mạch điện tử. Và tôi cũng được nghe bố kể về Thung lũng Silicon (Mỹ), nơi quy tụ rất nhiều chuyên gia ưu tú về kỹ thuật, công nghệ nhiều hơn bất cứ đâu trên thế giới. Hay cả những câu chuyện về sự ưu việt của công nghệ bán dẫn…

Ở Việt Nam vào thời điểm tôi còn nhỏ, có rất ít nữ sinh sớm quan tâm về STEM (Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật và Maths – toán học).

Bên cạnh đam mê, tôi rất may mắn khi được học hỏi trực tiếp từ nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới. Ví dụ như GS Robert Hecht-Nielsen là một chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo tại Mỹ và đồng sáng lập Công ty HNC từng có tên trong danh sách Fortune 500 (danh sách về các công ty hàng đầu tại Mỹ và thế giới – NV). Ông đã tạo cho tôi rất nhiều cơ hội từ thực tập đến làm việc chính thức. Đó là một phần quan trọng để tôi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về kỹ thuật điện tử trong kết nối không dây.

Trước khi làm việc tại Qualcomm, tôi có hơn 10 năm làm việc tại các công ty từ khởi nghiệp đến các tên tuổi nằm trong danh sách Fortune 500. Suốt thời gian đó, tôi đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau như nghiên cứu, thiết kế hệ thống đầu cuối, lập trình và cả quản lý dự án để thương mại hóa sản phẩm. Tôi chuyển nhiều công việc để có thêm nhiều cơ hội học hỏi, ngay cả khi thu nhập có bị giảm xuống.

Nếu đang làm một việc mà không học hỏi được gì thêm, thì nên tìm kiếm một công việc khác. Với kiến thức đa ngành, bạn có thể xây dựng và phát triển một sản phẩm toàn diện hơn.

TS Trần Mỹ An

Vì thế, đến giờ tôi vẫn thường khuyên nhiều bạn trẻ rằng nếu đang làm một việc mà không học hỏi được gì thêm, thì nên tìm kiếm một công việc khác. Với kiến thức đa ngành, bạn có thể xây dựng và phát triển một sản phẩm toàn diện hơn.

Vậy còn các công việc mà bà từng đảm nhiệm tại Qualcomm thì thế nào?

Đến nay, tôi đã làm việc hơn 18 năm tại Qualcomm. Trước đó, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc ở một công ty lâu đến vậy.

Thực tế thì Qualcomm có một khái niệm tạm hiểu như “cơ hội nội bộ” để nhân viên thay đổi từ vị trí công việc này sang vị trí công việc khác. Tại Qualcomm, tôi đã làm việc ở 5 bộ phận khác nhau. “Cơ hội nội bộ” giúp tôi học hỏi và mang đến các quan điểm, ý tưởng khác nhau đến các bộ phận. Năm đầu tiên về làm ở tập đoàn này, tôi tham gia một mảng kinh doanh hoàn toàn mới, chuyên cung cấp hệ thống phát sóng truyền hình di động. Khi ấy, tôi là một người mới lại chưa đạt được các vị trí công việc cao như một số đồng nghiệp khác, nhưng tôi vẫn được giao vai trò như “kiến trúc sư trưởng”, bởi tôi từng có kinh nghiệm trong một dự án tương tự trước đó.

Có động lực thì mới có đột phá

Bà có thể chia sẻ về các kết quả đã đạt được với hàng trăm bằng sáng chế?

Đến nay, tôi có hơn 400 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ cũng như trên thế giới. Thực tế, trước khi về với Qualcomm, tôi là một nhà phát minh. Và đến khi làm việc tại tập đoàn này, tôi lại có thêm cơ hội để nghiên cứu phát minh. Bởi Qualcomm luôn khuyến khích thúc đẩy đổi mới và tư duy sáng tạo, bằng những phần thưởng giá trị cho các phát minh mới và trao giải thưởng cho các nhà phát minh.

Qua đó, bà nhận xét một công ty công nghệ nên làm thế nào để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả, tạo ra nhiều thành quả đột phá?

Tôi nghĩ rằng khó có một công thức chung mang tính “phép màu” để áp dụng hiệu quả cho mọi công ty. Nhưng dựa trên kinh nghiệm làm việc của mình, thì tôi nghĩ một nguyên tắc cơ bản để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả là chỉ ra cho nhân viên thấy một lý do thuyết phục để nỗ lực. Nhân viên nào cũng cảm nhận được họ là một phần cụ thể của công ty và có thể góp phần cho sự thành công chung. Điều này cần có không chỉ trong các quản lý cấp cao, mà phải đến từ từng nhân viên ở mọi vị trí. Phải giúp cho nhân viên thấy được động lực để đổi mới.

TS Trần Mỹ An
TS Trần Mỹ An. Ảnh: NVCC

Tháng 12.2019 vừa qua, TS Trần Mỹ An về Việt Nam để tham gia và phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (ảnh) dành cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam do Qualcomm kết hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức. Đây là một trong các hoạt động mới nhất của Qualcomm nhằm nâng đỡ và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Cụ thể, chương trình sẽ tuyển chọn 10 đội thi xuất sắc tham gia vào giai đoạn ươm mầm khởi nghiệp. 10 đội thi này sẽ được huấn luyện kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật tại phòng thí nghiệm về internet vạn vật (IoT) của Tập đoàn Qualcomm tại Hà Nội, đồng thời cũng sẽ được hướng dẫn đăng ký sáng chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sau giai đoạn ươm mầm khởi nghiệp, Qualcomm sẽ lựa chọn trong số này 3 đội xuất sắc nhất để vinh danh.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều