Hành trình 72 giờ “truy bắt” virus Covid-19
Chỉ chưa đầy ba ngày của tháng 2.2020, các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona trong phòng thí nghiệm, mở ra triển vọng Việt Nam sớm điều chế được vắcxin dự phòng căn bệnh đang ám ảnh toàn cầu. Thành công đó ngẫu nhiên lại diễn ra gần Ngày Thầy thuốc Việt Nam – 27.2, đã làm rực rỡ hơn trình độ y lý, y thuật, y đức của các lương y Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố vào thời điểm cả thế giới còn đang bấn loạn với dịch bệnh COVID-19 do chủng virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) gây ra, với số ca mắc và tử vong tăng nhanh chóng, và chỉ mới có ba quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc phân lập thành công chủng virus này.
Virus do các nhà khoa học của Viện phân lập, từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus Corona tại Việt Nam, có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ cho quá trình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, mà còn hỗ trợ tích cực các quốc gia khác tăng cường khả năng xét nghiệm, phát hiện sớm virus Corona.
Ăn tết trong phòng nghiên cứu virus
Tại sự kiện trao tặng bằng khen của Bộ Y tế ngày 12.2 cho tập thể nhóm nghiên cứu và các cá nhân của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona, lần đầu tiên báo chí được nhìn thấy các nhà khoa học làm nên chiến tích ấy: GS-TS. Đặng Đức Anh (Viện trưởng), PGS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai (Phó viện trưởng), TS. Hoàng Vũ Mai Phương (Trưởng khoa Virus), PGS-TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó trưởng khoa Virus), ThS. Vương Đức Cường (Khoa Virus) và ThS. Nguyễn Thanh Thủy (Trung tâm nghiên cứu Y sinh học).
Trò chuyện với người viết, PGS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai, người đảm trách vai trò tổng chỉ huy cuộc nuôi cấy và phân lập virus Corona, và từng là “chiến tướng” trong nhóm nghiên cứu 17 năm trước “bắt” thành công virus SARS, tiếp đó là virus H5N1, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc 24 giờ mỗi ngày để có kết quả như hôm nay… Thời điểm đó đã là 30 Tết nhưng mọi người đều ở lại phòng nghiên cứu virus. Mùng 1 vẫn quay cuồng ở đây để canh từng mẫu hoạt động. Lúc nhận diện được hình hài virus Corona, tất cả chúng tôi mới thật sự thở phào”.
Toàn bộ quá trình nuôi cấy và phân lập virus Corona diễn ra đầy căng thẳng và lo lắng trong Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 (cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm) của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Các nhà khoa học sử dụng 2 trong số 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Corona ở Việt Nam và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Tế bào sau khi gây nhiễm được theo dõi và quan sát hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp Real-time RT-PCR.
“Thông thường khi virus thâm nhập tế bào, nó sẽ phá hủy tế bào nhưng theo thông tin từ một số quốc gia đã phân lập thành công thì COVID-19 không có biểu hiện phá hủy nên rất khó quan sát được xem virus có sống và nhân lên trong môi trường thí nghiệm hay không”, PGS. Quỳnh Mai nhớ lại. May mắn trong 2 mẫu tế bào “nuôi” virus đã có một mẫu tế bào nhân lên. Ngày 6.2, các nhà khoa học phát hiện sự xuất hiện của virus Corona trên tế bào cảm nhiễm. Ngày 7.2 virus Corona mới được nhận diện thông qua hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) bằng phương pháp nhuộm âm bản – soi mẫu trực tiếp tại phòng thí nghiệm siêu cấu trúc của Viện và được xác định vật liệu di truyền của virus (Real-time RT- PCR).
Cuối cùng, sau gần 72 giờ nghiên cứu, phân lập, lúc 9g40 ngày 7.2, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy diện mạo của virus Corona trong phòng thí nghiệm: có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện đã được mô tả trong y văn.
Dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị
GS-TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona sẽ giúp giải mã chính xác nguồn gốc chủng virus này, biết được độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng miễn dịch, sức chịu đựng của chúng trong các môi trường… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin ngừa bệnh. Với thành công đó, Việt Nam có đủ khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Hiện Viện cũng đã tiến hành sản xuất mẫu đối chứng cung cấp cho một số đơn vị để sản xuất các bộ kít xét nghiệm sớm ở y tế tuyến tỉnh, giúp phát hiện, sàng lọc sớm các ca nghi ngờ. “Có 22 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, trước khi chuyển giao công nghệ xét nghiệm, Viện có kế hoạch tập huấn, đánh giá cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt về an toàn sinh học. Những đơn vị có đủ điều kiện mới được cấp chứng nhận để thực hiện tại địa phương, góp phần giảm số lượng bệnh phẩm gửi về tuyến trung ương”, GS. Đức Anh cho biết.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng nhóm các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Corona trong vòng 2 tuần. Khi có bộ kit xét nghiệm, thời gian thực hiện và có kết quả xét nghiệm virus Corona tại Việt Nam sẽ tương đương Trung Quốc, hiện là khoảng 2 giờ (tính thời gian xét nghiệm) và dưới 4 giờ nếu tính cả thời gian chuẩn bị. Đây là thời gian xét nghiệm tìm virus Corona được cho là nhanh nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch.
Nghề không lo… thất nghiệp
Để nuôi cấy và phân lập được virus, chỉ những đơn vị nghiên cứu có nền tảng về thiết bị và trình độ, kinh nghiệm theo quy định mới được phép thực hiện. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM là các nơi có thể đáp ứng được yêu cầu đó. “Để có được kết quả hôm nay là quá trình không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm của chúng tôi trong thời gian rất dài. Quá trình này đã thực hiện từ các vụ dịch lớn trước đó như SARS, cúm A/H1N1, H5N1…”, PGS. Quỳnh Mai nói.
Đội ngũ nghiên cứu viên làm việc tại phòng an toàn sinh học đều có kinh nghiệm ít nhất 10 năm. “Có một điều chúng tôi thấy yên tâm, rằng trong cuộc chiến giữa loài người với virus, chúng tôi chẳng bao giờ lo thất nghiệp. Sẽ có một số nghề nghiệp bị thay đổi do nhu cầu và sự phát triển của xã hội, nhưng nghiên cứu virus, chiến đấu chống lại virus thì chúng tôi không bao giờ lo mất việc”, PGS. Quỳnh Mai dí dỏm.
Hiện mỗi ngày, Viện thực hiện 50-70 mẫu xét nghiệm nghi ngờ nhiễm virus Corona. Khi đã chủ động về mẫu đối chứng từ kết quả phân lập, số xét nghiệm có thể thực hiện được sẽ nhiều hơn, nhanh hơn, thậm chí cả ngàn mẫu mỗi ngày và nhiều phòng xét nghiệm tuyến tỉnh cũng sẽ xét nghiệm được. Do đó, chỉ với những nghi ngờ dương tính ở tuyến cơ sở phải khẳng định lại mới cần chuyển đến Viện hay Viện Pasteur khu vực để xét nghiệm đánh giá cuối cùng.
Với 15 năm gắn bó cùng phòng thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, TS. Hoàng Vũ Mai Phương (Trưởng khoa Virus) tâm sự, khi lựa chọn nghề này chị và các đồng nghiệp đã xác định mình sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trực chiến: “Đứng trước bất kỳ dịch bệnh nào, tất cả chúng tôi đều phải căng mình ra, thậm chí có lúc không thể phân chia từng nhóm làm theo ca, tất cả phải cùng chung sức đương đầu. Lo lắm chứ, chỉ cần sơ hở một chút thôi là bản thân những kỹ thuật viên cũng sẽ trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng yêu nghề và nhận thấy việc đối mặt với dịch không còn đáng sợ như trước nữa”.
May mắn thay, trong suốt quá trình làm nghề của các nhà khoa học vừa được vinh danh, mọi thứ đều được kiểm soát an toàn tuyệt đối. Đó là tiếng vang lớn mà không chỉ riêng các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương có thể tự hào, mà ngành y tế Việt Nam cũng xứng đáng được ngợi khen.
Gia Minh/NDT