+
Aa
-
like
comment

Hành động ngây ngô nhưng bắt buộc phải làm của CSGT

Thế Khoa - 29/11/2019 17:53

Sáng nay, một hình ảnh chụp lại trang báo của Công an TP.HCM với nội dung đăng tìm chủ của 81 xe máy được lan truyền trên mạng xã hội. Điều đáng nói là thông tin về những chiếc xe này được cấp là: biển số – “không số”; số khung và số máy – “không xác định” khiến nhiều người đọc vào cảm thấy băn khoăn “đăng vậy chủ phương tiện sao mà biết được có phải là phương tiện của mình hay không”?

Ảnh chụp lại trang báo giấy báo Công an TP.HCM lan truyền trên mạng xã hội

Tìm hiểu câu chuyện giở khóc giở cười này mới vỡ lẽ, hóa ra những chiếc xe vi phạm này đều là xe “mù”, xe “nát” đã bị cà mất số khung, số máy, tháo biển số. Mà theo thủ tục thanh lý thì phải đăng báo, đăng cụ thể biển số như thế nào, số khung ra sao, và số máy từng chiếc mới được. Như thông tin từ Phòng CSGT Công an TP.HCM cho hay “nếu đăng như vậy thì không thể kèm vào hồ sơ thanh lý từng chiếc được, theo thủ tục thanh lý thì phải đăng báo mà phải đăng cụ thể biển số, số khung, số máy từng chiếc mới được”.

Có thể thấy, quy trình, thủ tục tìm chủ nhân và thanh lý xe vi phạm đang quá phức tạp, cứng nhắc. Ngay chính trong lời chia sẻ của đại diện Sở GTVT (cơ quan được UBND TPHCM giao làm tổ trưởng tổ công tác liên ngành về tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính) nhận xét: “quy trình thanh lý xe vi phạm sung công quỹ hiện hành rất chặt chẽ nhưng chưa phù hợp thực tế. Ở mỗi bước đều phải có nhiều đơn vị cùng hợp tác xử lý nên rất mất thời gian với thủ tục phức tạp. Tính ra, hồ sơ thanh lý mỗi chiếc xe cũng tương đương hồ sơ của một vụ án nhỏ”.

Trước sự việc này, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình tìm xe và thanh lý, không nên phức tạp như vậy. Việc đăng thông tin như trên chỉ là thủ tục làm cho có, bởi sẽ chẳng có chủ nhân nào tới tìm lại những chiếc xe không xác định. Thực tế, kết quả xác minh trong những trường hợp này là rất hạn chế, khi đây đều là những chiếc xe cũ kĩ lại hư hỏng nặng, có giá trị thấp nên người vi phạm bỏ xe và không nộp phạt nữa rồi. Coi như tìm chủ nhân trong vô vọng.

Theo thống kê chỉ năm 2017, các đơn vị thuộc Công an TPHCM tạm giữ hơn 41.400 phương tiện vi phạm. Trong đó, xe còn giá trị sử dụng đủ điều kiện trả lại là hơn 7.400 xe và hơn 34.000 xe thuộc diện phải tịch thu sung công. Trong khi quá trình xử lý những chiếc xe bị “bỏ quên” này rất nhiêu khê, đã khiến các đơn vị thực thi than trời. Không những thế, đến khi bán thanh lý được, giá trị thu về không được bao nhiêu, cho nên việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính, đặc biệt là các xe máy cũ, xe “mù”, xe “mờ” được ví như là… “của nợ” đối với nhiều đơn vị. Chính quy trình phức tạp này đang khiến Công an TP.HCM thực hiện hành động ngây ngô, giở khóc giở cười như trên.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng thay đổi quy trình giải quyết phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất trong cả nước. Trong quy định này cũng nêu rõ thời hạn, trách nhiệm của các công an phường – xã trong việc hỗ trợ, trả lời xác minh người vi phạm, chủ xe. Và đối với những xe không đủ điều kiện lưu thông cần thanh lý sớm để tháo gỡ hàng chục ngàn phương tiện vi phạm đang gây nhiều áp lực, đặc việt là vấn đề kho bãi.

Thế Khoa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều