+
Aa
-
like
comment

Người Việt sẽ mãi ‘thiếu nhà’ nếu không có một cuộc ‘thanh trừng địa ốc’ tàn khốc

Hạnh Văn - 05/07/2021 17:49

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam luôn được xem là nhanh nhất tại Đông Nam Á. Bên cạnh những bước phát triển chung về chính sách, quản lý và đầu tư, tỷ lệ tăng dân số, mà kèm theo đó là nguồn cung lao động dồi dào, cũng là một trong những tố thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này cũng đồng nghĩa áp lực về mật độ dân cư, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế chính đang ngày càng lớn. Kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy quy mô dân số nước ta giai đoạn 2009-2019 đã tăng thêm 10,4 triệu người so với giai đoạn 1999-2009, và mật độ dân số là “vươn lên” đến hàng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Philippines và Singapore. Áp lực dân cư tăng vọt cũng đồng nghĩa yêu cầu về việc phân bổ quỹ đất ngày càng lớn. Và như chúng ta đều biết, các khu chung cư, cụm đô thị vẫn luôn là phương án hữu hiệu nhất để giải quyết bài toán quy hoạch dân cư, phân bổ quỹ đất. Sự hình thành “như nấm sau mưa” trong khoảng 10 năm gần đây của các chung cư như Vinhomes, Ehome, Miyuki… là minh chứng cho thấy nhu cầu thực ở của người dân vẫn còn rất lớn, và thị trường này vẫn còn sức hút mãnh liệt với các nhà đầu tư.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là trong khi một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thể có được mái nhà cho mình thì nhiều năm qua, các khu đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tồn tại hình ảnh những ô cửa thiếu ánh đèn trong những khu chung cư từ bình dân đến sang trọng. Dạo quanh các tổ hợp chung cư trên địa bàn TP.HCM vào những buổi chiều tối, không khó để tìm thấy cảnh “loang lổ” của các ô cửa sổ trên các block chung cư có quy mô hàng trăm, hàng ngàn hộ. Và ngay cả các khu dân cư trong chương trình “Nhà ở xã hội” cũng không tránh khỏi thực trạng này, dù được quy hoạch để tạo điều kiện cho các gia đình có thu nhập trung bình thấp.

Sự mất cân xứng đến mức nghịch lý lại đang tồn tại ngay tại các đô thị lớn, người thực sự cần nhà ở vẫn loay hoay ở thuê, còn các căn hộ thì lại tiếp tục… “lẻ bóng”, như thể phớt lờ nhu cầu bức bách ở bên ngoài. Và không ít người sẽ thấy còn khó chịu hơn  khi thực tế, các căn hộ thiếu ánh đèn như vậy không hề “vô chủ”. Nhìn nhận thẳng thắn, tất cả những căn hộ đang “từ chối chủ nhân” đều đang nằm trong tay các… nhà đầu cơ, “cò” môi giới. Nói cách khác, một bộ phận người dân có điều kiện đang nắm giữ trong tay số lượng bất động sản đôi lúc còn nhiều hơn số nhân khẩu trong gia đình. Các căn hộ được mua đi, bán lại với mức giá có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị ban đầu. Để rồi vô hình chung, những người có thu nhập thua kém hơn đang bị “tước đoạt” quyền làm chủ căn nhà của mình.

Nhưng làm cách nào để có thể “vẽ lại” bức tranh nhà ở ngày nay tại Việt Nam, mà trong đó mỗi người dân có thể tiếp cận tốt nhất có thể một căn nhà trong mơ ước? Có lẽ, ngành quy hoạch đô thị Việt Nam có thể rút tỉa một vài ý tưởng, nếu nhìn vào câu chuyện của “thảm sát địa ốc” của chính phủ Singapore hơn 60 năm về trước.

Trong những năm 1950, khi chính phủ Singapore non trẻ mới được thành lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay từ rất sớm đã nhìn thấy tình trạng “lạm phát bất động sản” hoành hành trên mảnh đất chỉ hơn 500km². Giá trị bất động sản leo thang, dung dưỡng bởi các “cò” nhà đất và những nhà đầu cơ giàu có, đã vượt khỏi tầm với của đại bộ phận người dân Singapore. Và hành động của chính phủ Singapore khi đó được gọi là một trong những cuộc “thảm sát địa ốc” tàn khốc nhất trong lịch sử. Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) đã quyết định đánh thuế lũy tiến vào thị trường bất động sản, công dân phải đóng thêm mức thuế từ 7% kể từ căn nhà thứ 2 trở đi, cũng như bị hạn chế chuyển nhượng khi tiếp tục áp thêm thuế nếu rao bán nhà trong vòng 4 năm sau khi mua nhà, kèm theo đó là siết chặt “đòn bẩy ngân hàng” bằng cách hạn chế mức vay vốn khi mua nhà. Những chính sách này thậm chí còn “khủng khiếp” hơn đối với các doanh nghiệp và những người không phải công dân, có thể lên đến 25% giá trị bất động sản. Bằng các biện pháp cứng rắn, chính phủ Singapore đã “tàn sát” không thương tiếc thị trường địa ốc vốn đang “nóng” như lò lửa, nhưng cũng chính nhờ đó, người dân nước này cũng đã được trả lại quyền sở hữu nhà ở chính đáng của mình.

Trở lại Việt Nam, thực trạng ngày hôm nay nhìn chung không khác nhiều so với diễn biến của thị trường địa ốc Singapore những năm 1950, các loại thuế phí như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ… không lũy tiến, “đòn bẩy ngân hàng” dễ tiếp cận và sự dễ dàng chuyển nhượng, sang tay đã không thể ngăn cản khả năng thâu tóm bất động sản của các cá nhân có năng lực kinh tế dồi dào. Cứ như thế, những căn hộ được “qua tay” hàng loạt chủ nhân, với giá bán tiếp tục leo thang gấp rưỡi, gấp đôi, và rồi… để không, tối đèn. Còn người thực sự cần nhà nhà thì không biết đến khi nào mới có một mái ấm trọn vẹn.

Những tòa chung cưu thiếu ánh đèn như thế này là điều không hề hiếm gặp.
Những tòa chung cưu thiếu ánh đèn như thế này là điều không hề hiếm gặp.

Nhưng liệu một cuộc “thảm sát địa ốc” có thể giải quyết được những căn hộ tắt đèn hay không, chắc chắn không thể trả lời bằng một cái gật đầu chóng vánh, nhất là khi không thể so sánh bối cảnh và đặc điểm địa lý, dân sinh của Việt Nam với đảo quốc Singapore nhỏ bé. Nhưng ít nhất, đối với Singapore, cuộc “thảm sát” ấy đã cho người dân những căn nhà trong mơ ước của mình. Và đến ngày nay, họ vẫn tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ sỡ hữu nhà tính cao nhất thế giới, lên đến 90%. Sự khó khăn trong việc sở hữu nhiều hơn 1 căn nhà ít nhất đã giúp triệt tiêu tình trạng đầu cơ, “găm hàng”, xóa bỏ được cảnh tượng những block chung cư loang lổ ánh đèn.

Thiết nghĩ, mỗi người dân Việt Nam trưởng thành, mỗi gia đình hạt nhân của xã hội đều đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu một mái ấm theo đúng ý nghĩa của nó. Điều đó rất cần một sự “ra tay” của Chính phủ, để trả lại cho người dân quyền được dùng mồ hôi và sức lao động chân chính để xây dựng mái ấm của riêng mình.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều