+
Aa
-
like
comment

Hành động ngay để dân yên tâm ở lại

02/08/2021 07:31

“Để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian này, chúng ta cần có hành động ngay. Trước mắt, các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người lao động từ các tỉnh về làm việc, sinh sống, như cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, vận động người cho thuê nhà miễn tiền, trợ giúp khi gặp rủi ro, đau ốm…”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ với PV.

Di chuyển là đang đặt mình vào nguy cơ

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về phòng, chống dịch COVID-19 gửi các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, trong đó yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú… Cảm xúc của ông ra sao trước những hình ảnh, thông tin về việc người dân, thậm chí có những phụ nữ mới sinh được ít ngày đã phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân hàng nghìn ki-lô-mét trở về quê?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy rất xót xa và đau lòng trước hình ảnh người dân đang phải lựa chọn giải pháp mạo hiểm đối với cuộc sống và tính mạng của gia đình mình, nhất là với các cháu nhỏ, phụ nữ mới sinh con. Tôi tin rằng, tất cả họ đều biết đó là mạo hiểm và đầy rủi ro khi phải về quê bằng phương tiện cá nhân. Thế nhưng, người ta đã phải lựa chọn giải pháp rủi ro đó.

Hành động ngay để dân yên tâm ở lại ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Theo ông, vì sao người dân lại phải lựa chọn giải pháp nhiều rủi ro, quyết định khăn gói về quê nhà như vậy?

Có lẽ họ đã phải cân nhắc, so sánh với những khó khăn sẽ phải đối diện khi ở lại: không có công ăn việc làm, không có thu nhập và nguy cơ dịch bệnh đang lây lan rất mạnh ở những địa bàn họ đang cư ngụ. Có thể người ta nhận thấy những rủi ro nếu ở lại sẽ cao hơn rủi ro khi phải lựa chọn hồi hương bằng phương tiện cá nhân.

Thêm vào đó, người ta cũng cảm thấy vững lòng hơn khi về quê. Nếu có gặp rủi ro thì bên cạnh mình cũng có người thân ở quê hương. Như vậy sẽ đỡ cô đơn, vất vả hơn khi ở lại nơi đất khách quê người.

Dù bất cứ lý do gì thì nhiều người cũng đã rời thành phố, trở về quê trong những ngày qua. Ông có lo ngại tình trạng trên sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh âm ỉ, bùng phát nghiêm trọng hơn?

Quả thực, việc hồi hương tự phát như trên không chỉ gặp phải những rủi ro cho cá nhân những người dân di chuyển, như tai nạn trên đường, ốm đau, suy kiệt sức khỏe… bởi việc di chuyển như vậy chịu tác động trực tiếp của thời tiết, khí hậu thay đổi, diễn biến bất thường, nhất là với phụ nữ và các cháu nhỏ. Thế nhưng, điều nguy hiểm hơn, dòng di chuyển tự phát đó còn mang theo nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra các địa phương, nơi những dòng người đi qua.

Có thể nói, người dân di chuyển hồi hương là đang đặt mình vào nguy cơ lây nhiễm cao đối với bản thân. Nếu như không may bị lây nhiễm thì khả năng chống chịu của họ cũng bị suy giảm, vì sức khỏe đã hao phí trên đường di chuyển.

Đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động

Chính quyền các địa phương cần phải làm gì để vừa đảm bảo nhu cầu đi lại nếu thấy cần thiết, cũng vừa ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, thưa ông?

Đối với các địa phương có người dân di cư, cần thành lập các mạng liên lạc, kết nối những người đồng hương. Để từ đó có mối liên hệ và trợ giúp giữa quê hương, gia đình ở quê với những người di cư, để họ yên tâm ở lại. Bên cạnh đó, thông qua kết nối để nắm bắt được thông tin, sàng lọc những trường hợp nào cần thiết phải hồi hương, trường hợp nào cần ở lại, trường hợp cần hồi hương thì chủ động bố trí phương tiện đưa, đón có tổ chức, đảm bảo an toàn phòng dịch.

CSGT Đắk Nông dẫn đường cho đoàn người về quê bằng xe máy

Cũng thật mừng là vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có công điện kịp thời. Qua đó yêu cầu địa phương phải tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”.

Như vậy sẽ góp phần đảm bảo các giải pháp an toàn và tạo niềm tin, sự yên tâm cho những người ở lại không chọn cách hồi hương tự phát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người lao động tự do hiểu được những rủi ro nếu lựa chọn hồi hương tự do và yên tâm ở lại thực hiện giãn cách tại chỗ.

Cũng thật mừng là vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có công điện kịp thời. Qua đó yêu cầu địa phương phải tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Thủ tướng cũng đã yêu cầu, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/ 7 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời đi, các tỉnh liên quan phải đón, đưa an toàn, tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca, tổ chức cách ly, giám sát… Sự chỉ đạo đó hết sức kịp thời, các địa phương cần thực hiện nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và đảm bảo an toàn cho người dân.

Người dân đi xe máy từ TP HCM về nằm vạ vật ở chốt kiểm soát y tế Lăng Cô.

Trước tình trạng di chuyển tự phát vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần huy động tối đa các gói hỗ trợ cho người dân, đồng thời áp dụng ngay các chính sách miễn giảm, cũng như đảm bảo các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu thốn khi ở lại?

Như tôi vừa nói, người dân phải lựa chọn rủi ro khi suy nghĩ về những khó khăn họ phải đối mặt nếu ở lại. Để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian này, chúng ta cần có hành động ngay, không để người dân phải lựa chọn giải pháp rủi ro như đánh cược với tính mạng, sức khỏe bản thân và gia đình, khi phải hồi hương tự phát như thế. Trước mắt, các địa bàn đang giãn cách phòng, chống dịch phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người lao động từ các tỉnh về làm việc, sinh sống tại các địa phương đang là tâm dịch phía Nam. Khẩn trương triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Qua đó, cần cung cấp nhu yếu phẩm, vận động người cho thuê nhà miễn tiền trong thời gian phong tỏa phòng dịch. Đồng thời, hướng dẫn thông tin trợ giúp cho những người lao động tự do khi gặp rủi ro, ốm đau… Như vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho người dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Điều này rất thiết thực, kịp thời, khiến người dân sẽ yên tâm hơn khi ở lại và không phải hồi hương tự phát như những ngày qua.

Cảm ơn ông.

Thành Nam

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều