Hàng xóm, chị dâu của bệnh nhân 243 dương tính lần 1 với SARS-CoV-2
“Hiện có 2 trường hợp có kết quả lần 1 dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang tiến hành chạy lại để khẳng định. Một trường hợp là hàng xóm, một trường hợp là chị dâu, có quan hệ mật thiết với gia đình bệnh nhân 243, có đi lại trong thời gian vừa qua”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo.
Chiều 7/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố. Tại cuộc họp, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã báo cáo về lịch trình, tiền sử dịch tễ của bệnh nhân số 243 ở Mê Linh (Hà Nội).
Cụ thể, theo ông Cảm, sáng 12/3, ông Q.Q.T. đưa vợ đi khám tại Trung tâm Miễn dịch Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ H.N.P. là người trực tiếp khám cho bà N.T.H (SN 1979, vợ ông T). có tiền sử bệnh lupus ban đỏ có hệ thống, suy thận 12 năm nay. Ông T đưa vợ đi khám bằng xe máy.
Sau khi khám cho vợ, ông Q.Q.T được bác sỹ kê đơn thuốc, mua thuốc và đưa vợ đi về vào lúc 12h ngày 12/3.
Trong hai ngày 12 – 13/3, bệnh nhân T có đi ăn cưới con anh trai và gần nhà, đi tiếp khách rất nhiều mâm cỗ.
Sau khi đón dâu, đến trưa ngày ngày 15/3, ông T. đi ăn giỗ tại nhà mẹ vợ (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) và có tiếp xúc với nhiều người trong gia đình. Trong đó, có nhiều người cao tuổi (danh sách này đang được huyện Mê Linh điều tra thêm).
Ngày 15-21/3, ông T. ở nhà, chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình và hai anh trai có nhà gần đó. Khi ra khỏi nhà, ông T. thường đeo khẩu trang vải.
Ngày 21/3, ông T. đau mỏi người, ngấy sốt (không cặp nhiệt độ), nghĩ bị cảm cúm nên đã ra hiệu thuốc gần nhà (do chị N.T.H. bán) mua 1 vỉ thuốc cảm cúm về uống (không nhớ tên thuốc). Ngày hôm sau, ông T. thấy đỡ mỏi, không sốt.
Ngày 22-26/3, và 3 – 4/4, ông T. có đi giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) vào buổi tối, khi đi có đeo khẩu trang thường xuyên và không có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Khi giao hoa thì chợ đã đóng cửa và những người mua hoa thường mua ở tại trên đê nên không rõ bán hoa cho ai.
Ông T. đã tiếp xúc nhiều người trong gia đình để thu mua, gói hoa tại nhà trước khi giao bán tại chợ Quảng Bá.
Sáng 7/4, qua điều tra, xác định một số người ở huyện Đông Anh đến mua hoa tại nhà.
Trong ngày 20 – 22/3, bệnh nhân có đến chơi tại một số nhà bạn bè trong cùng thôn và được lập danh sách đầy đủ.
Ngày 30/3, ông T. được thông tin những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong các ngày 10-28/3 cần phải khai báo y tế, bệnh nhân đã chủ động gọi điện ra trạm y tế xã và qua đó lập danh sách được 25 người từng đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian trên (hiện tất cả đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi cho CDC Hà Nội).
Do thời điểm khai báo đã qua 14 ngày, nên bệnh nhân đã được Trạm Y tế xã hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngày 2/4, ông T. đi tảo mộ sau đó có ăn trưa cùng 4 người khác trong họ (danh sách được lập đầy đủ).
Ngày 2-5/4, ông T. tiếp xúc với những người trong gia đình và nhà 2 anh trai; đi sửa xe máy nhà anh Q. (đối diện nhà); đi mua mỳ tôm và bả chuột tại nhà anh T., chị H. (cùng khu vực).
Trưa 4/4, do cháu dâu có biểu hiện sẩy thai nên ông T. đưa cháu dâu, cháu trai đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên. Tại đây, ông tiếp xúc với một số bác sĩ và sau khi thăm khám, bác sĩ có đề nghị chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nghi thai chết lưu.
“Bệnh nhân 243 đưa người nhà đi khám tại bệnh viện ngày 4/4. Lúc này, khi khai báo y tế tại viện, người đàn ông này đã qua 14 ngày kể từ khi đến Bệnh viện Bạch Mai nên đã điền toàn bộ vào ô ‘không’. Do đã thực hiện khai báo không có vấn đề nghi vấn nên chúng tôi mới cho vào viện”, TS Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Cùng ngày, ông cùng một số người nhà đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thăm cháu dâu (5 người đi cùng đã được lập danh sách). Từ 4 – 5h chiều, bệnh nhân có tiếp xúc với 1 bác sĩ khám bệnh cho cháu dâu tại BV Phụ sản Hà Nội và bệnh nhân có đeo khẩu trang.
Đến 17h ngày 5/4, ông T. cùng em trai (Q.D.T.) đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bằng xe máy. Tại đây, ông tiếp xúc với 1 bác sĩ lúc 20h30 (không nhớ tên). Trong thời gian tại bệnh viện, ông chủ yếu ngồi ở phòng chờ, đến 23h30 thì về nhà.
Ngày 6/4, ông Q.Q.T. nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và vợ có kết quả âm tính. Bệnh nhân đã được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Theo ông Cảm, đến trưa 7/4, ghi nhân 104 trường hợp F1, trong đó, lấy mẫu được 90 trường hợp và 3h sáng nay đã gửi đến CDC Hà Nội. Chuyển cách ly tại Bệnh viện Mê Linh 31 trường hợp, Bệnh viện Bắc Thăng Long 35 trường hợp còn lại đang cách ly tại nhà hoặc chờ chuyển đến khu cách ly tập trung. Hiện vẫn đang rà soát các trường hợp F1.
Trung tâm y tế huyện đã phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân, các khu vực liên quan và hướng dẫn gia đình mở thông thoáng nhà cửa…
Ông Cảm cũng cho biết, phát hiện cháu bé Q. T. M. (SN 2016), thường xuyên được bệnh nhân chăm bế có biểu hiện sốt 38 độ và đã chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly, khám, điều trị. Mẫu bệnh phẩm chiều nay sẽ có kết quả.
Chiều nay, xác định được khu vực cần cách ly theo quy định của Bộ Y tế, mở rộng điều tra các trường hợp liên quan.
Theo ông Cảm, hiện có 2 trường hợp có kết quả lần 1 dương tính và đang tiến hành chạy lại để khẳng định gồm 1 trường hợp là hàng xóm, 1 trường hợp đối diện là chị dâu có quan hệ mật thiết với gia đình bệnh nhân 243, có đi lại trong thời gian vừa qua.
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, ông Cảm cho biết, chỉ với 1 trường hợp xét nghiệm có kết quả dương tính bằng kỹ thuật PCR đã được coi là ổ dịch, nên từ hôm qua khu vực phát hiện bệnh nhân 243 đã thành là ổ dịch. “Đã cách ly toàn bộ thôn, xóm của bệnh nhân. Nếu mà đánh giá nguy cơ y tế thì cần cách ly y tế thôn Hạ Lôi và trung tâm là xóm Bàng”, ông Cảm nói.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi trong thời gian 14 ngày. Huyện Mê Linh và xã Mê Linh chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp cách ly, cung cấp nhu yếu phẩm cho gần 2000 người dân trong khu vực cách ly.
Trường Phong/TPO