Hàng xách tay Mỹ, Nhật… chính thức bị khai tử
Nhập khẩu hàng hóa không qua các cửa khẩu quốc tế (hàng xách tay) bị coi là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và bị xử phạt rất nặng.
Từ hôm nay (15-10), Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Điểm đáng chú ý tại nghị định này là xử phạt nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là với hoạt động kinh doanh hàng xách tay.
Đau đầu vì hàng xách tay
Vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh hàng xách tay diễn ra rầm rộ, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Đơn cử như trên Google, Facebook… chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm “hàng xách tay” sẽ hiện ra rất nhiều nhóm như: Hội buôn hàng xách tay từ châu Âu, Hàng xách tay Mỹ, Hàng xách tay Hàn Quốc, Hàng xách tay Thái Lan… Các mặt hàng xách tay cũng rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, bia, rượu cho đến máy tính, đồng hồ.
Việc hàng xách tay tràn vào khiến các công ty nhập khẩu chính ngạch lẫn sản xuất trong nước đau đầu. Ông Nguyễn Như Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại DNT, chuyên nhập khẩu rượu vang, đánh giá: Hàng xách tay ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc đó là mặt hàng gì, giá trị thế nào.
“Với các dòng rượu vang nhập khẩu thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Bởi đối tượng khách hàng của chúng tôi là những nhà hàng, khách sạn 4-5 sao. Những nhà hàng này bắt buộc phải có hóa đơn nên hàng xách tay rất khó chen được vào. Không có nguồn gốc rõ ràng, họ không tin tưởng vào chất lượng” – ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, mặt hàng bị ảnh hưởng rõ rệt nhất là các loại rượu mạnh và các sản phẩm có giá trị cao như máy tính. “Chúng tôi là những đơn vị làm ăn chân chính nên rất ủng hộ khi Nghị định 98/2020 đi vào thực thi, siết chặt hoạt động kinh doanh hàng hóa xách tay, nhập lậu” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu rượu, bia, thuốc lá và thực phẩm về kinh doanh trong nước cũng cho biết: Trước đây công ty không để tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh hàng xách tay. Đơn giản vì số lượng hàng xách tay so với hàng nhập khẩu chính ngạch rất ít. Tuy nhiên, gần đây, một số mặt hàng xách tay như rượu mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ khiến công ty đứng ngồi không yên.
“Các nhà nhập khẩu chính ngạch phải bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo thương hiệu. Cạnh đó, họ còn phải chịu nhiều loại thuế, chi phí khác nhau. Trong khi đó, hàng xách tay không mất đồng nào để quảng cáo vì các đơn vị nhập khẩu chính ngạch đã quảng cáo rồi. Người bán hàng xách tay cũng không phải chịu các loại chi phí như các công ty nhập khẩu chính ngạch nên nghiễm nhiên bán giá rẻ, giành được lợi thế cạnh tranh” – vị đại diện công ty này bức xúc.
Khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều mặt hàng xách tay không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, hàng nhập chính ngạch nhập về sẽ phải lấy mẫu sản phẩm để đi kiểm tra, đạt tiêu chuẩn mới được tiêu thụ vào thị trường.
Trong khi đó, hàng xách tay cứ xách được về là tiêu thụ được luôn nên tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. Đáng lo nhất là với hàng xách tay, khi đến tay người tiêu dùng, do không được kiểm định về chất lượng nên không rõ có đảm bảo an toàn hay không.
Tung chiêu đối phó quy định mới
Từ hôm nay (15-10), Nghị định 98 chính thức có hiệu lực, siết chặt quy định về quản lý hàng xách tay. Mấy ngày qua, nhiều người bán hàng xách tay trên mạng xã hội tranh thủ thanh lý, giảm giá, khuyến mãi để xả hàng. Thậm chí có nơi giảm giá một số mặt hàng lên đến 60%-70%. Bên cạnh đó, giới bán hàng xách tay cũng mách nước cho nhau chuyển sang bán online thay vì bán ở cửa hàng như trước đây.
Mạnh tay xử lý hàng xách tay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đánh giá: Thời gian qua, hoạt động kinh doanh hàng xách tay ở Việt Nam diễn biến vô cùng phức tạp. Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng xách tay đã thông qua các công cụ website, Zalo, Facebook… chào bán các sản phẩm do nước ngoài sản xuất.
Thông qua các đơn đặt hàng, các tổ chức, cá nhân nói trên thu gom hàng hóa rồi thuê người vận chuyển dưới hình thức xách tay từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức… về Việt Nam để tiêu thụ. Các loại hàng hóa này có giá rẻ hơn hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, do không phải đóng thuế cho Nhà nước.
Ông Lê cũng cho hay: Thật ra, không phải đến Nghị định 98/2020 thì hành vi nhập khẩu hàng hóa không qua các cửa khẩu quốc tế (hàng xách tay) mới bị coi là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mà trước đó Nghị định 185/2013 của Chính phủ cũng đã có quy định để xử lý hàng xách tay.
Tuy nhiên, trong Nghị định 98, mức xử phạt đã tăng nặng lên rất nhiều. Ví dụ, nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Mức phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan… có giá trị 100 triệu đồng bị phạt đến 200 triệu đồng.
Việc nâng khung xử phạt theo nghị định mới là cần thiết, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. “Chúng tôi cho rằng với những quy định của Nghị định 98 thì việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu nói chung và kinh doanh hàng xách tay nói riêng sẽ dần dần bị kiểm soát, tiến tới hạn chế tối đa. Qua đó dần xóa bỏ triệt để hành vi vận chuyển, tàng trữ, giao nhận và kinh doanh hàng hóa nhập lậu” – ông Lê nhấn mạnh.
Hàng xách tay bị coi là hàng nhập lậu
Theo Nghị định 98/2020, hàng hóa xách tay (từ nước ngoài về Việt Nam) nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì bị coi là hàng hóa nhập lậu: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn…
AN HIỀN/PL