Hàng vạn sổ hồng ở TP.HCM bao giờ hết ‘treo’ ?
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM – đơn vị đầu mối giải quyết thủ tục cấp sổ hồng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Xung quanh việc hàng vạn sổ hồng bị treo do chủ đầu tư không thể đóng tiền sử dụng đất tại TP.HCM, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh), Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM – đơn vị đầu mối giải quyết thủ tục cấp sổ hồng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Nhiều người dân mua nhà ở hợp pháp từ các dự án đã bức xúc phản ánh việc chậm cấp hàng vạn sổ hồng ở hàng chục dự án nhà ở không phải từ lỗi của doanh nghiệp mà từ cơ quan chức năng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Những bức xúc của doanh nghiệp, người dân khi có sự chậm trễ, chúng tôi rất thấu hiểu, bởi người dân mua nhà ở và đã thanh toán nghĩa vụ tài chính đầy đủ với chủ đầu tư, yêu cầu được cấp sổ hồng kịp thời là rất chính đáng.
Trong quá trình thực hiện chức trách của mình, Sở TN-MT đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp với Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM, UBND TP.HCM, Bộ TN-MT và Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh nên công tác xác định giá đất dự án (để giải quyết cấp sổ hồng) đã từng bước cải thiện được tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết công việc; và trong nhiều trường hợp khó ước lượng được thời gian giải quyết dứt điểm vì buộc phải chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vướng mắc.
Xin được khẳng định ngay là với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Với những vướng mắc phát sinh, TP.HCM đang tiếp tục tập trung rà soát. Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng sẽ có buổi làm việc với UBND TP.HCM để kịp thời tháo gỡ
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM
Thực tế có hàng chục dự án bị treo sổ hồng chỉ vì bị tắc tiền sử dụng đất, doanh nghiệp muốn thực hiện nghĩa vụ tài chính cho ngân sách nhà nước nhưng vẫn không được. Vì sao lại nghịch lý như vậy, thưa ông?
Thời gian qua, vướng mắc nổi cộm ở vấn đề này là về thời điểm định giá. Theo quy định tại khoản 3 điều 108 luật Đất đai 2013, thì “Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Thế nhưng tại TP.HCM có khá nhiều dự án mà thủ tục pháp lý diễn ra từ nhiều năm trước với những căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về đất đai trước đó. Sau vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà dự án phải điều chỉnh, bổ sung về quy mô, ranh giới, diện tích, vị trí cũng như chỉ tiêu quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất theo những quy định của các thời kỳ; ngoài ra có những vụ việc mà TP.HCM trước đây đã linh hoạt giải quyết để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, nhưng nay bị vướng khi giải quyết tiếp tục theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ví dụ, tại TP.HCM, nhiều năm trước đây đã ban hành nhiều quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích chính thức nhưng cơ cấu sử dụng đất lại tạm xác định, hoặc ra quyết định thu hồi và tạm giao đất để sau đó nhiều năm mới ra quyết định giao đất chính thức. Vì vậy việc pháp luật đất đai quy định thời điểm xác định giá đất cụ thể là thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là rất khó để xử lý những tồn tại trong thực tiễn. Bởi lẽ nếu xác định giá đất vào thời điểm ban hành quyết định về giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, thì lại vướng yếu tố “tạm”, nhưng nếu xác định giá đất vào thời điểm sau này, thì lại vướng quy định của pháp luật về thời điểm định giá.
Bên cạnh đó còn có những vướng mắc khác chưa được tháo gỡ như vấn đề cấn trừ tiền tạo lập đất (tiền do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, bồi thường để tạo quỹ đất làm dự án) vào nghĩa vụ tài chính; về nguồn gốc đất; về diện tích đất công trình công cộng trong dự án phải bàn giao hay không phải bàn giao cho nhà nước; về việc thu thập thông tin để lập chứng thư tư vấn thẩm định giá…
Xin được khẳng định ngay là với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Với những vướng mắc phát sinh, TP.HCM đang tiếp tục tập trung rà soát. Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng sẽ có buổi làm việc với UBND TP.HCM để kịp thời tháo gỡ.
Với vai trò đầu mối, Sở TN-MT đã có những biện pháp gì nhằm cải thiện tình hình?
Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở TN-MT đã chủ động có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, và không ít vấn đề đã được các bộ ngành chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Tuy nhiên, như trên đã trình bày thì hiện vẫn còn những vướng mắc đã kiến nghị, cần có thời gian để các bộ ngành nghiên cứu để đưa vào thông tư, nghị định và luật.
Sở TN-MT cũng đã phối hợp cùng các sở ngành là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất nghiên cứu để dự thảo Bộ nguyên tắc, tiêu chí trong công tác xác định giá đất cụ thể. Từ đó UBND TP.HCM xem xét trình các bộ ngành hoặc Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục tình trạng các đơn vị tư vấn vẫn phải thu thập thông tin để chứng minh bằng chứng cứ thị trường đối với những thông số đưa vào để lập chứng thư, mà khá nhiều thông số đã được đúc kết trong thực tiễn. Nếu những nội dung đề xuất được thông qua, việc lập chứng thư và rà soát, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể sẽ được cải thiện khá nhiều về tiến độ và chất lượng.
Theo Sở TN-MT TP.HCM, từ 1.1 – 31.7, Sở đã ký cấp và trao 7.107 giấy chứng nhận (sổ hồng), trong đó 6.939 giấy chứng nhận của các dự án nhà ở và 168 giấy chứng nhận cấp bổ sung tài sản. Từ 1.8 – 31.8, Sở phối hợp các sở ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc 11 dự án nhà ở, đến nay đã ký cấp 914 giấy chứng nhận và chuẩn bị trao cho các dự án: Gia Hòa (Công ty TNHH xây dựng kinh doanh nhà Gia Hòa), khu dân cư CityLand (Công ty CityLand), Tokyo Tower (Công ty 557), Phước Kiển Lavila (Công ty TNHH đầu tư Phước Kiển), Tropic Garden (Công ty TNHH đầu tư địa ốc Nova)…