Hàng Trung Quốc ‘núp bóng’ Việt xuất sang Mỹ, cảnh báo khẩn cấp, 3 bộ vào cuộc
Bộ Công Thương, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cảnh báo đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế.
Dấu hiệu bất thường
Nguồn tin của PV. cho hay, Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hiện tượng mặt hàng gỗ dán xuất sang Mỹ tăng đột biến, có dấu hiệu hàng Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam lẩn tránh thuế.
Câu chuyện bắt nguồn từ số liệu được Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cung cấp cho Bộ Công Thương. Lượng gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp 5 lần so với 2017. Nhập khẩu gỗ dán, gỗ ghép tăng gần 20% so với năm 2017.
Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam trong năm 2018 được Hiệp hội này cập nhật sơ bộ dựa trên báo cáo của 36 nhà máy là vào khoảng hơn 1,4 triệu m3 (tăng hơn 500 nghìn m3 so với năm 2017 do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất).
Trên cơ sở đó, Hiệp hội đặt ra nghi vấn lượng mặt hàng gỗ dán xuất khẩu chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành 500 nghìn m3 là do thương mại.
Tiếp đến, cơ quan Hải quan vào cuộc, tập trung vào 4 doanh nghiệp có tên trong danh sách Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cung cấp.
Qua xác minh đối với 6 công ty và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương, cơ quan hải quan phát hiện một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
Đó là Công ty TNHH VT… (TP. Hà Nội), Công ty TNHH VM… (Hưng Yên), một Công ty Cổ phần… (tỉnh Nam Định), Công ty Cổ phần GR… (tỉnh Lạng Sơn), Công ty TNHH FN… (tỉnh Phú Thọ), Công ty TNHH Go… (TP. Hà Nội).
Ngay sau khi phía Hải quan công bố kết quả xác minh bước đầu, trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại cho hay: Liên quan quy tắc xuất xứ cho sản phẩm gỗ ván ép, các DN đang áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số HS 6 số cho sản phẩm để giải trình chứng minh sản phẩm có đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ hay không.
“Tiêu chí chuyển đổi mã số HS này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Miễn là quy trình đó thỏa mãn quy định diễn ra sự chuyển đổi HS và quy trình sản xuất của doanh nghiệp vượt qua công đoạn gia công đơn giản”, đại diện Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại chia sẻ.
Như vậy, sản phẩm đó sẽ đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ.
Trung tâm này cho biết thêm nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đi nhưng không xin cấp C/O.
Ví dụ, công ty FN… được Hải quan “điểm mặt”, số liệu cho thấy doanh nghiệp này nhập khẩu về Việt Nam hơn 27.000 m3 gỗ. Tổng số xuất đi Mỹ là 14.984 m3, nhưng số liệu cấp C/O ở VCCI chỉ hơn 8.300m3. Còn hơn 6.000m3 kia không thấy xin cấp C/O. Trong số 7 khách hàng ở Mỹ của doanh nghiệp này, chỉ 3 khách hàng yêu cầu có C/O.
“Một DN gỗ ván ép ở Bắc Giang cho hay 1 tháng họ xuất khẩu 30-40 container nhưng ở VCCI không cấp một bộ C/O nào cho DN này”, đại diện Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại nói.
Trung tâm này khẳng định: VCCI chỉ cấp C/O cho trường hợp nào doanh nghiệp giải trình chứng minh là làm từ gỗ ván lạn. Còn trường hợp nhập khẩu bán thành phẩm rồi xuất khẩu đi, doanh nghiệp không xin cấp C/O ở VCCI.
Có hay không việc gian lận xuất xứ?
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương dẫn kết quả xác minh được Cục An ninh kinh tế cung cấp cho Bộ Công Thương về hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp gỗ dán.
Theo đó, Cục An ninh kinh tế nhận định có việc các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để xuất khẩu hoặc bán cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” để đầu tư lấy C/O để xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế.
Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế nhập khẩu đã nâng từ 10-25%, đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.
Như vậy, có dấu hiệu gian lận thương mại, lợi dụng hoạt động đầu tư để núp bóng nhằm lấy xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ Bộ Công Thương khẳng định.
Số liệu xuất khẩu gỗ dán tăng đột biến sang Mỹ năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 phần nào phản ánh nhận định trên.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ này xây dựng và ban hành thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam sau đó tái xuất sang Mỹ.
Ngoài ra, Bộ cũng muốn xây dựng một thông tư quy định thương nhân xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ phải đăng ký mã số thương nhân xuất khẩu (theo cơ chế đăng ký, kê khai công suất của các cơ sở sản xuất của chính doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cung ứng hàng).
“Giao Bộ Công Thương xây dựng chương trình khai báo tự nguyện thông tin các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan quản lý Việt Nam cũng như Mỹ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dán”, Bộ Công Thương kiến nghị.
Lương Bằng/Vietnamnet