+
Aa
-
like
comment

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang neo đậu, sắp tiến ra Biển Đông

Bảo Trâm - 14/08/2021 10:27

Hàng trăm tàu ​​đánh cá của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiến ra Biển Đông vào thứ Hai (ngày 16/8) để bắt đầu một mùa đánh bắt mới.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang neo đậu, sắp tiến ra Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 400 tàu thuyền đã được neo đậu ở thành phố Tam Á, phía nam Trung Quốc để chờ lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 3,5 tháng của Trung Quốc hết hiệu lực. Nhiều tàu khác cũng đang neo đậu tại các khu vực khác của đảo Hải Nam và các tỉnh xung quanh cũng sẽ quay trở lại vùng biển giàu tài nguyên này.

Các quốc gia khác đã cáo buộc đội tàu cá Trung Quốc hoạt động như lực lượng dân quân biển nhưng Bắc Kinh liên tục phản đối.

Hồi tháng 3, truyền thông Philippines lên tiếng về việc Trung Quốc đã điều 200 tàu đánh cá đi vào vùng biển gần bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cho biết đây là hoạt động tránh trú thông thường do thời tiết xấu. Nhà nghiên cứu Mỹ Andrew Erickson cho rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc được những hỗ trợ tài chính từ chính phủ, đôi khi có vũ trang, có thể tận dụng lợi thế về số lượng và dưới danh nghĩa tàu đánh cá để ngăn cản việc tiếp cận hoặc xua đuổi những tàu đánh cá của nước khác. Mặc dù mang tính chất dân sự, lực lượng dân quân biển này do chính phủ Trung Quốc quản lý và tổ chức.

Từ năm 1999, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh cá tại khu vực này trong mùa hè, ban đầu là 2 tháng sau đó kéo dài 3,5 tháng. Trong thời gian cấm này, các thuyền sẽ quay trở lại cảng để tập trung vào việc bảo dưỡng và chuẩn bị hậu cần.

Trả lời về phản ứng của Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt ngày 29/4 nhắc lại Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS, và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.

Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Việt nói.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều