Hàng trăm tài xế vi phạm nồng độ cồn ‘bỏ’ xe ở trụ sở công an
Trong số gần 1.200 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt kể từ đầu năm đến nay, hàng trăm người dù hết thời hạn xử lý vẫn chưa đến nhận xe.
Ngày 11/5, đại diện Phòng CSGT tỉnh Bắc Giang cho hay, từ khi áp dụng nghị định 100 của Chính phủ vào đầu năm 2020, đơn vị xử phạt gần 1.200 người vi phạm nồng độ cồn, phần lớn là tài xế xe máy. Tính riêng từ ngày 15/5, trung bình mỗi ngày có 7 tài xế bị tạm giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn.
“Hàng trăm xe máy, phần lớn của các tài xế vi phạm nồng độ cồn đang được giám định để chờ thanh lý”, Thượng tá Ngô Văn Phục, phó trưởng phòng CSGT tỉnh Bắc Giang nói.
Theo quan sát, xe máy của các tài xế vi phạm giao thông phần lớn là xe cũ nát, nhiều xe không đèn, không yếm, trơ khung sắt hoen rỉ…, năm chật kín trong khoảng sân rộng khoảng 200 m2, không có mái che tại trụ sở phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang.
Ngoài khoảng sân này, dọc các lối đi, hành lang và trong hai nhà chứa có mái che của phòng CSGT tỉnh Bắc Giang còn có hàng chục xe máy cũ nát khác nằm phủ bụi.
Chỉ về chiếc xe wave cũ màu đỏ nằm trong sân, đại uý Nguyễn Văn Thanh – Đội xử lý vi phạm, phòng CSGT tỉnh Bắc Giang, cho biết chủ chiếc xe này 43 tuổi ở huyện Việt Yên, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,516 mg/lít khí thở; với mức này tài xế bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép trong 23 tháng, mức cao nhất của vi phạm nồng độ cồn.
“Tài xế này vi phạm từ đầu tháng 3, chúng tôi đã gửi giấy thông báo nhưng chưa đến nhận và cũng không có phản hồi gì”, anh Thanh nói.
Ngoài chiếc xe trên, đại uý Thanh còn đưa ra hàng loạt biên bản vi phạm nồng độ cồn ở mức cao mà trong nhiều tháng tài xế chưa đến trụ sở xử lý chiếc xe của mình. Trong số này, nhiều trường hợp tài xế không chỉ vi phạm nồng độ cồn ở mức cao mà còn không có bằng lái, không có đăng ký xe, xe không có gương chiếu hậu…
Trong khi những chiếc xe máy cũ để chật kín trụ sở công an, hằng ngày các chuyến ôtô tiếp tục chở xe máy vi phạm về tạm giữ.
Vừa bị tổ công tác thuộc phòng CSGT Bắc Giang dừng xe đo nồng độ cồn trên quốc lộ 1A đoạn Cầu Đen (huyện Lạng Giang), anh Nguyễn Văn Tuấn ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho hay “tôi đi chiếc xe dream của Đài Loan được gần chục năm, lúc mua có hơn chục triệu đồng, giờ chủ yếu để chở hàng hoá nên nếu bị bắt phạt mức 7 triệu đồng chắc tôi bỏ xe, vì có lấy về bán chưa chắc đủ nửa số tiền phạt”.
Tương tự, anh Trần Văn Yên ở Lạng Giang (Bắc Giang) nói “mức phạt cao nhất đến 7 triệu đồng, tước giấy phép 23 tháng đồng nghĩa với việc mất phương tiện mưu sinh và trong gần hai năm không được được lái xe, đó là một mức phạt rất nghiêm khắc”.
Về lý do người vi phạm nồng độ cồn sau thời gian dài chưa đến nhận xe, thượng tá Ngô Văn Phục cho rằng “do mức phạt của nghị định 100 cao, trong khi đó phần lớn phương tiện của người dân ở vùng quê, miền núi, lao động tự do là xe cũ, giá trị thấp hơn cả mức phạt nên có thể nhiều người không muốn nhận lại xe”.
Ngoài ra, ông Phục nói “cũng có thể nhiều trường hợp người dân chưa đủ tiền nộp phạt hoặc vì một lý do nào đó mà chưa thu xếp được công việc đến nộp phạt, lấy xe về”.
Để xử lý xe tài xế không đến nhận, tránh việc quá tải cho các bãi xe và để lâu xe mất giá trị sử dụng, quy định hiện hành cho phép cảnh sát tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ với xe máy bị tạm giữ quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận.
“Với quy định này, quy trình từ khi lập biên bản, thông báo cho người vi phạm cũng như đăng trên phương tiện thông tin đại chúng…, sẽ chỉ còn 3 tháng thay vì một năm như trước đây”, thượng tá Phục nói thêm.
Bá Đô/VE