Hàng trăm người chứng kiến chuyên gia Nhật tắm nước sông Tô Lịch
Trước sự chứng kiến của hàng trăm phóng viên và người dân, ông Kubo Jun ngâm mình 5 phút trong bể nước thành phẩm sau xử lý.
Chiều 8/8, Công ty JVE, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch tổ chức buổi trình diễn quá trình xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.
Để chứng minh công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản xử lý nước làm sạch sông Tô Lịch mang lại hiệu quả, tiến sĩ Kubo Jun – cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản, đã tắm, rửa mặt, ngụp lặn ngay trên dòng sông này, tại khu vực thí nghiệm xử lý nước lúc 16 giờ chiều nay, 8.8.
Đông đảo người dân đã tập trung chứng kiến chuyên gia người Nhật Bản không ngần ngại vục nước rửa mặt, ngụp lặn xuống dòng nước sông Tô Lịch như trong bể bơi.
Khoảng 30 phút sau khi tắm, rửa mặt, ngụp lặn trên sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật Bản chia sẻ với báo chí là không thấy bị ngứa hay nổi mẩn gì trên người. “Nước trong bể xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đặt trên sông Tô Lịch không có mùi hôi. Tôi ngụp lặn, rửa mặt bằng nước tại bể thử nghiệm này, có cảm giác như ngâm mình trong bể bơi nước ngọt thông thường”, tiến sĩ Kubo Jun nói.
“Tôi không còn ngửi thấy mùi hôi của nước thải sinh hoạt nữa, nước gần như không còn mùi. Về độ trong, chúng ta có thể thấy gần đạt độ như nước đóng chai đang bày bán trên thị trường”, ông nhận xét.
Đại diện Công ty JVE cho biết hệ thống trình diễn xử lý được chia thành 4 bể nhỏ để đặt máy Nano và tấm vật liệu Bioreactor. Bể đầu tiên là xử lý yếm khí, đặt tấm vật liệu kích hoạt vi sinh vật yếm khí. Bể tiếp theo đặt máy Nano nhằm kích hoạt vi sinh vật hiếu khí.
Sau khi bùn hữu cơ được phân huỷ thì bùn vô cơ sẽ lắng đọng lại. Bể cuối cùng là bể nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam có thể dùng tắm rửa được.
PV đặt câu hỏi về tính thực tiễn của quá trình trình diễn và liệu mô hình xử lý này có giống với sông Tô Lịch không khi mỗi ngày có đến 150.000 m3 nước thải sinh hoạt hôi thối liên tục chảy vào. Trong khi đó, các bể vừa trình diễn chỉ có một lượng nước thải cố định được tách ra để xử lý.
Về việc này, ông Tuấn Anh cho biết dù đây là hệ thống để trình diễn nhưng đáp ứng các yếu tố khách quan, đặc điểm ở con sông.
“Chúng tôi làm vậy để mọi người hiểu được quy trình làm sạch của công nghệ này thế nào. Nước ở bể đầu tiên gồm nhiều bùn và nước thải là nước sông Tô Lịch hiện tại. Nước ở bể cuối cùng đại diện cho nước sông trong tương lại nếu công nghệ được áp dụng”, ông Tuấn Anh cho biết.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và sản xuất chưa qua xử lý. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng công nghệ Nano nên được sử dụng như biện pháp song song với hoạt động thu gom và xử lý nước thải.
Chứng kiến sự việc, bà Nguyễn Thị Ngọc (61 tuổi, nhà gần sông Tô Lịch) bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất mừng vì những nỗ lực cứu dòng sông như thế này. Mong rằng, công nghệ của Nhật Bản sẽ sớm đem lại hiệu quả, được nhân rộng trên sông Tô Lịch để dòng sông sớm được hồi sinh, bớt ô nhiễm, hôi thối”.
Một số hình ảnh do PV ghi nhận chiều 8-8, tại khu vực sông Tô Lịch, đoạn được chọn làm thí điểm:
Hồng Anh (Tổng hợp)