+
Aa
-
like
comment

Hàng trăm nghìn người Việt tử vong vì đột quỵ mỗi năm

Trâm Anh - 29/06/2021 16:39

Theo báo cáo của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) từ năm 2016 đến nay, trên thế giới có 15 triệu người mắc bệnh đột quỵ mỗi năm, trong đó có 5 triệu người sống, 5 triệu người tử vong, còn lại 5 triệu người phải chịu nhiều di chứng nặng nề do bệnh đột quỵ gây ra, tỉ lệ tử vong cao hơn cả căn bệnh ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. 

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Các biểu hiện của đột quỵ là nói chuyện khó khăn, bị méo mặt, bị yếu tay chân cùng 1 bên, đau đầu nôn ói nhiều. Đột quỵ có nhiều nguyên nhân khác nhau như do tuổi tác, các yếu tố bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, thừa cân béo phì, cao huyết áp..

Hơn 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm.

Điều trị đột quỵ là cả một quá trình lâu dài, ban đầu là điều trị can thiệp, sau đó phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa. Đồng thời điều trị cả các di chứng do đột quỵ như động kinh, liệt nửa người, trầm cảm, rối loạn lo âu…

Bệnh nhân đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những bệnh nhân bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân.

Tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 – 45 tuổi so với trước đây là 50 – 60 tuổi.

Ở Việt Nam, đột quỵ nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, với 230.000 ca bệnh mỗi năm. Trong vòng 12 năm qua, đột quỵ ở người trẻ tăng gần 50%, nhất là đột quỵ não (thường gọi là tai biến mạch máu não). Bệnh gặp ở người trẻ lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”, lười vận động.

Giới trẻ Việt Nam hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến căn bệnh này vì cho rằng căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt có những người dưới 40 tuổi, bị đột quỵ. Phần lớn liên quan đến rất nhiều yếu tố như cách sống, thói quen sinh hoạt…

Ngày nay sự phát triển của y học, đột quỵ được can thiệp điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, can thiệp động mạch… thay cho phương pháp mổ truyền thống. Điều trị đột quỵ cần quan trọng nhất là “giờ vàng”, qua “giờ vàng” sẽ để lại di chứng rất nặng nề.

Người dân có thể phòng ngừa được đột quỵ đó là nên có lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống và sinh hoạt điều độ… là cách phòng ngừa đột quỵ tích cực nhất.

Khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu trên cần chủ động đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm bệnh và có những biện pháp can thiệp kịp thời giúp chúng ta tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

Trâm Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều