+
Aa
-
like
comment

Hàng trăm ngàn tỉ để bình ổn giá thị trường tết

26/12/2019 07:02

Do giá heo tăng cao nên nhiều doanh nghiệp, thương lái, tiểu thương lỗ do sức mua giảm.

Dịch tả heo châu Phi được dự báo sẽ làm cho quy mô đàn heo trong nước giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo cho tiêu dùng trong nước không chỉ trong năm 2019 mà có thể còn những năm tiếp theo. Đó là nhận định của Bộ NN&PTNT tại hội nghị liên quan đến chiến lược phát triển chăn nuôi chiều 25-12 tại Hà Nội.

Bấp bênh như… nuôi heo

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: 10 năm qua, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình 5%-6%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra là 6%-7%/năm.

Riêng trong ngành hàng thịt heo, giai đoạn 2008-2018, quy mô đàn heo tăng từ 26,7 triệu con lên 29,1 triệu con. Tổng đàn heo xuống thấp nhất vào năm 2013 với 26 triệu con vì người tiêu dùng quay lưng với thịt heo khiến giá thịt heo xuống thấp. Nguyên nhân là do thời điểm đó thịt heo sử dụng chất cấm clenbuterol, sanbutamol. Phải sau gần hai năm, thị trường thịt heo mới khôi phục và quy mô đàn heo tăng trở lại.

Thế nhưng đến năm 2017, đàn heo trong nước lại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm long móng. Mới đây nhất là dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tính riêng trong năm 2019, số heo bị tiêu hủy đã chiếm 9% tổng đàn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do vậy, tăng trưởng quy mô đàn heo thấp hơn khá nhiều so với định hướng của ngành chăn nuôi.

Liên quan đến lo ngại đến sát tết Nguyên đán, giá thịt heo sẽ tiếp tục bị đẩy lên, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Theo số liệu của Bộ Công Thương, báo cáo từ đầu năm đến nay đã nhập hơn 110.000 tấn. Như vậy, sắp tới đây, một mặt bù đắp nguồn thịt bằng cách tái đàn, hai là những sản phẩm động vật khác chúng ta sẽ nhập theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để làm chỉ số giá tiêu dùng vừa phải, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng”.

Về công tác bình ổn giá, Thứ trưởng Tiến cho biết TP.HCM đã chuẩn bị 110.000 tỉ đồng, Hà Nội hơn 31.000 tỉ đồng, Bắc Giang chuẩn bị hơn 20.000 tấn heo… “Tất nhiên chúng ta cũng lo lắng thiếu thịt nhưng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các bộ sẽ bàn và có giải pháp kịp thời” – Thứ trưởng Tiến nói.

Hàng trăm ngàn tỉ để bình ổn giá thị trường tết - ảnh 1
Chính phủ yêu cầu đảm bảo nguồn cung thịt heo, tuyệt đối không để nhân dân thiếu thịt heo.

Không được để dân thiếu thịt heo

Ngày 25-12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, đã chủ trì phiên họp cuối năm. Liên quan đến ngành hàng thịt heo, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết có hiện tượng găm hàng thịt heo để tăng giá. Ví dụ, qua kiểm tra ở Bắc Giang có hiện tượng giá 140.000 đồng/kg mà người nuôi vẫn chưa bán.

Tuy nhiên, từ tháng 1-2020 sẽ bắt đầu cung ứng thịt heo từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu thịt heo để đáp ứng nhu cầu người dân. “Mặc dù nguồn cung thịt heo thiếu hụt làm giá thịt heo tăng nhưng xét về tổng thể, nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, tăng tới 760.000 tấn so với năm 2018” – đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt heo có thể sẽ đẩy lạm phát trong quý I tăng cao trên 4%. Song Ban chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu của thị trường, cung-cầu hàng hóa.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn cung thịt heo. Tuyệt đối không để nhân dân thiếu thịt heo. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay.

“Yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn heo an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt heo giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán heo, thịt heo qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho tết và cả sau tết; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Không điều chỉnh tăng giá dịch vụ

Thông tin tại phiên họp cho hay năm 2019, lạm phát được giữ ở mức thấp với 2,7%-2,8%. Lạm phát thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh một bước giá các dịch vụ công nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện theo thị trường.

Tuy nhiên, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lo ngại trong quý I-2020 lạm phát sẽ tăng cao trên 4% vì sức ép tăng giá từ các mặt hàng thịt heo. Do đó ông Tuấn đề nghị trong quý I-2020 không nên điều chỉnh bất kỳ giá dịch vụ nào do Nhà nước quản lý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV-2020; điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm.

Tú Uyên/ PLO

Bài mới
Đọc nhiều