Hàng trăm học sinh Học viện múa ra trường không… bằng cấp!
Sau gần 7 năm học, hàng chục học sinh múa tại Học Viện Múa Việt Nam đã tốt nghiệp không được cấp bất cứ một bằng cấp nào. Đáng nói có hàng trăm học sinh khác sắp tốt nghiệp cùng chịu chung cảnh. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của học sinh, khiến các em không thể học lên, hay đi làm.
Hàng trăm học sinh ở Học viện múa “thất học” vì không có bằng văn hóa
Ngày 31/3, hàng trăm phụ huynh học sinh Học Viện múa Việt Nam (từ khắp mọi nơi trong cả nước) đã có đơn kêu cứu gửi báo chí về việc 325 học sinh học xong (cả số học gần xong) nhiều năm nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và chứng nhận đã học hết chương trình phổ thông trung học (PTTH).
Theo đơn, năm 2013, tất cả học sinh đã trúng tuyển vào Trường CĐ Múa Việt Nam. Theo quy định trong giấy triệu tập của Học viện múa Việt Nam tất cả học sinh nhập học đều đều phải nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ (tối thiểu học hết lớp 6) hoặc hồ sơ học sinh, sinh viên bản gốc để tiếp tục đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển.
Phần lớn học sinh là học sinh học hết lớp 6, chuẩn bị sang lớp 7. Việc học sinh được yêu cầu rút học bạ thì đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ tiếp tục dạy song song văn hóa, và chuyên môn. “Điều này chứng tỏ nhà trường có sự mập mờ”, một phụ huynh cho biết.
Trong suốt quá trình học chuyên môn, học sinh vẫn được học văn hóa song song, vẫn có bảng điểm. Chính bởi vậy cha mẹ vẫn yên tâm là con được học đầy đủ.
Tuy nhiên, năm 2017, rất nhiều học sinh Học viện múa tốt nghiệp, ra trường nhưng không nhận được bằng cấp 2 và cấp 3. Thậm chí, không nhận được bằng chuyên môn.
Anh Hoàng Mạnh Cường – bố cháu H.N.V (sinh năm 2001) cho rằng điều này khiến phụ huynh hết sức bức xúc. “Không nhận được bằng đồng nghĩa với việc các con không được học lên, không thể xin việc”.
Sau hơn 6 năm học (năm 2013 – 2020), con anh Cường đã ra trường, thi đậu Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, nhưng học 1 tháng thì không được học nữa. Lý do là cháu không có bằng tốt nghiệp THCS và THPT.
Sau đó, anh Cường đã quay lại trường Học viện múa để hỏi bằng văn hóa, thì được trường trả lời là do Trường không liên kết đào tạo văn hóa với Phòng giáo dục quận Cầu Giấy, nên học sinh không có mã định danh. Vì vậy, học sinh không được xét tốt nghiệp THCS và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.
“Khi tôi chất vấn nhà trường, lãnh đạo nhà trường khá ngỡ ngàng, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề. Lý do được đưa ra là lâu nay trường vẫn giảng dạy và cấp bằng như vậy và không có việc gì xảy ra”, anh Cường nói.
Sau rất nhiều lần gặp gỡ giữa Ban phụ huynh với Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo nhà trường vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. “Câu trả lời duy nhất mà chúng tôi nhận được là chờ đợi. Trong khi đó, các con đã ra trường 2-3 năm rồi”, anh Cường bức xúc nói.
Học 12 năm vẫn chỉ dừng lại trình độ lớp 6
Hơn 300 học sinh sau hơn 12 năm học, đến lúc ra trường không có bất cứ một văn bằng, chứng nhận nào. Học 12 năm vẫn chỉ dừng lại ở trình độ lớp 6. Tất cả các em rơi vào tình trạng “3 không”: Không bằng THCS; Không bằng THPT; không bằng trung cấp, cao đẳng chuyên môn.
Tuyển sinh, cấp bằng của Học viện múa liệu có sai luật?
Qua trao đổi, phụ huynh khẳng định dù mới học hết lớp 6 (chưa tốt nghiệp THCS) nhưng nhà trường lại tuyển sinh hệ cao đẳng. Theo quy định Luật giáo dục cũ thì học sinh nếu chưa tốt nghiệp THCS thì không thể học cao đẳng. Điều này sai với Luật.
Thêm vào đó, trong quá trình học, thì nhà trường vẫn dạy văn hóa bình thường. Toàn bộ phụ huynh tin tưởng các con được xét kết quả học để xét tốt nghiệp THCS. Về việc thi THPT quốc gia, nhà trường lý giải vì học nghề nên các con được nhà trường tổ chức thi riêng và cấp giấy chứng nhận học xong chương trình văn hóa THPT.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy – phụ huynh có con học hệ cao đẳng múa hệ 6,5 năm trường Học viện Múa Việt Nam, cũng là giáo viên làm trong ngành giáo dục. Bà Thủy bày tỏ bức xúc: “Hơn 30 năm trong nghề giáo dục, tôi đi dạy mà chính tôi cũng không ngờ con tôi lại thất học”.
Bà Thủy cũng chia sẻ, rất buồn vì các con học sinh chuyên ngành chính là múa nhưng các môn học văn hóa còn nặng hơn ở bên ngoài. Học sinh phải học với cường độ cực nặng, nhiều em vẫn phải thi lại rất nhiều, nếu không đủ điểm. Vậy mà giờ đây sau hơn 6 năm học tập tại trường và gần 13 năm học tập, các học sinh ở đây vẫn chỉ đạt trình độ lớp 6.
Điều đáng nói ở đây, dù không có bằng THCS, THPT nhưng trường múa vẫn cấp bằng Cao đẳng cho học sinh khóa I, khoa biên đạo múa. Điều này khiến cho nhiều học sinh như con anh Cường dù đã trúng tuyển đại học nhưng sau đó vẫn không được học tiếp vì không có bằng THPT.
“Con tôi không thể đi múa cả đời”
Hơn 300 học sinh bị ảnh hưởng, hàng trăm học sinh không thể đi làm, học lên… chỉ vì không có bằng.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ rất nhiều em đến từ các tỉnh vùng sâu vùng xa như Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An…. Các em và gia đình đã phải rất cố gắng mới có tiền cho con tới Hà Nội theo học. Không ngờ giờ giờ sau gần 7 năm học thứ họ nhận được lại là “3 không”.
Bà Thủy nghẹn ngào: “Con tôi không thể đi múa cả đời, tuổi đời của diễn viên múa rất có hạn. Nếu sau này con muốn chuyển sang giảng dạy, học nâng cao… thì không thể tiếp tục vì không có bằng cấp”.
Sau nhiều phiên làm việc, nhà trường vẫn không có hướng giải quyết, có đề xuất cho các con học lại từ đầu (từ lớp 7). Tuy nhiên, điều này không khả thi. Tất cả phụ huynh đều cảm thấy bất bình, không chấp nhận được.
Hiện nay nhà trường chưa trả lời với ban phụ huynh. Ban giám hiệu chỉ trả lời chúng tôi là: “Học sinh của chúng ta là “3 không” không bằng THCS; Không bằng THPT; không bằng chuyên môn.
Học sinh Học viện múa Việt Nam đang rất băn khoăn, lo lắng
N.T.N (quê Hà Giang) là học sinh khoa múa K6 cho biết, chỉ còn mấy tháng nữa là sẽ tốt nghiệp. Thế nhưng qua nghe ngóng, đến nay nhiều anh chị khóa trước vẫn chưa được cấp bằng.
“Em cảm thấy khá lo lắng, nếu không được cấp bằng thì quả là quá bất công với em. Bây giờ em cũng đành chờ đợi thôi”, N nói.
Không riêng gì N, 300 học sinh học gần đến ngày tốt nghiệp học sinh tại Học Viện Múa Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng “3 không” khi ra trường.
Để có lời giải cho câu chuyện này, 11 giờ sáng ngày 31/3, Phóng viên Báo Dân Việt đã liên hệ và phỏng vấn với lãnh đạo Học viện múa Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường nhà trường từ chối tiếp.
Thùy Anh