Hàng tấn ma tuý tràn vào Việt Nam, có phải do hải quan quá… dễ dãi?
Trả lời câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng quả quyết, chính hải quan có vai trò quan trọng trong chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu ma tuý. Vừa qua, vụ bắt giữ 5 tạ ma tuý có công sức lớn của hải quan.
Vấn đề tranh luận được đặt ra tại phiên họp sáng 17/9 của UB Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.
Nội dung phải đưa ra thảo luận tại Thường vụ Quốc hội do một số quy định tại dự thảo nghị định nhưng pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, về cơ chế bảo lãnh, quy định về bảo lãnh tại dự thảo nghị định là để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định trong phạm vi các nước tham gia Nghị định thư 7, theo đó để được thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế. Nội dung này là quy định mới so với pháp luật hiện hành, do vậy tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh/bất khả kháng, cơ chế xử lý vì pháp luật về thuế hiện hành đang quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế.
Ngoài ra, điểm vướng mắc khác là việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh hàng hóa. Bộ trưởng Dũng cho biết, theo quy định của Luật Hải quan và các nghị định liên quan thì chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp thực quá cảnh hàng hóa. Để phù hợp với Nghị định thư 7 mà Việt Nam đã ký kết, phê duyệt, tại dự thảo nghị định đã quy định nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên cụ thể: quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện (các nội dung ưu tiên tương tự như đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa).
Việc bổ sung doanh nghiệp ưu tiên quá cảnh đảm bảo phù hợp với phần 4 phụ lục kỹ thuật của Hiệp định. Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, UB Tài chính – ngân sách của Quốc hội về cơ bản nhất trí với cả hai vấn đề trên.
Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nghi vấn, thủ tục hải quan dễ dãi tạo điều kiện cho buôn lậu ma tuý, biểu hiện ở việc thời gian qua, liên tiếp những vụ thẩm lậu ma tuý lớn vào nội địa được phát hiện, số lượng tới hàng tràn vào Việt Nam, tới hàng tạ, hàng tấn “hàng trắng”?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thủ tục hải quan không dễ dãi. Ông Dũng cũng nhấn mạnh vì mấy năm nay kim ngạch hải quan luôn gấp đôi GDP nên phải tạo thuận lợi cho thủ tục hải quan, cải cách thủ tục để tạo điều kiện cho phát triển. Tuy vậy thủ tục hải quan vẫn rất phức tạp nên cải cách thủ tục và hiện đại hoá hải quan rất quan trọng.
“Chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng của hải quan. Vừa qua hải quan cũng có vai trò quan trọng trong việc bắt nhiều vụ ma tuý lớn, trong đó vụ lớn nhất lên tới 5 tạ” – ông Dũng nói.
Bộ trưởng cũng giải thích, ma tuý thẩm lậu vào Việt Nam không hẳn chỉ đi qua cửa khẩu mà qua nhiều đường khác, cả hàng không, đường bộ, đường thuỷ. Và như thế, để ngăn chặn, cần tăng cường kiểm soát bằng nhiều khâu, nhiều giải pháp khác nhau.
Còn băn khoăn, song nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đều khẳng định sự cần thiết hiện đại hoá ngành hải quan. Trách nhiệm ban hành nghị định là của Chính phủ, cần làm thí điểm và có bước đi thận trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý khi kết thúc phiên thảo luận.
P.Thảo/Dân Trí