+
Aa
-
like
comment

Hàng rào ngăn du lịch Việt Nam hồi phục

Phạm Khoa - 17/03/2023 10:55

Sau 2 năm đại dịch Covid-19, và hơn 1 năm kinh tế thế giới chìm trong khủng hoảng, du lịch Việt Nam thật sự đang tuột dốc không phanh, rất cần được chung tay giải cứu. Trong đó, visa đang là chiếc chìa khóa quan trọng nhất.

Du khách nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam

Ngày 15/03, phát biểu trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa).

Đây được xem là chỉ đạo quan trọng cần gấp rút triển khai trong thời gian trước mắt để cứu ngành du lịch, và các ngành khác có liên quan, như: hàng không, vận tải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bán lẻ…

Thật ra, visa luôn là vấn đề được ngành du lịch kêu cứu suốt nhiều năm nay, nhưng không được giải quyết rốt ráo, do ảnh hưởng một số yếu tố khách quan của thị trường quốc tế, và các vướng mắc có hệ thống về cơ chế của Việt Nam.

Các công ty lữ hành quốc tế không lạ gì với câu chuyện nhiều du khách phải xuất cảnh giữa cuộc hành trình khám phá Việt Nam để xin e-visa lần nữa vì hết hạn lưu trú (tối đa 30 ngày). Nhiều du khách châu Âu đã tỏ ra rất khó chịu với sự bất tiện này, và họ phản ánh với hầu hết các đơn vị lữ hành, nhưng mọi chuyện vẫn không thể biến chuyển.

Có thể thấy, nhiều năm trước, khi dịch bệnh và khủng hoảng chưa xuất hiện, sự bất cập kể trên tuy có làm hạn chế lượng du khách, ảnh hưởng đến thu nhập của ngành du lịch, nhưng vẫn chưa trở thành một trở lực nghiêm trọng như lúc này.

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, khi các hãng hàng không chìm đắm trong nợ nần vì thiếu chuyến; các công ty lữ hành kề cận bờ vực phá sản vì lượng du khách đặt tour ít ỏi, kéo theo hạ tầng hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng trung, cao dần xuống cấp…, thì không thể không có những cân chỉnh quyết liệt để sớm cứu ngành du lịch.

So sánh một chút với nước láng giềng Thái Lan, trong khi Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 25 nước, thì con số này của Thái Lan là 58 nước, thời hạn lưu trú thông thường cho du khách các nước này là 30 ngày tương tự Việt Nam, nhưng họ không giới hạn số lần nhập cảnh của du khách đối với đường hàng không; trừ 5 nước có hiệp định miễn visa song phương là 90 ngày, và 2 nước Campuchia, Myanmar là 14 ngày.

Chính chính sách visa thoáng này đã đem lại một lượng khách khổng lồ cho du lịch Thái Lan, khi năm 2019, họ đón đến 40 triệu lượt du khách, gấp 2,2 lần Việt Nam (18 triệu lượt du khách). Năm 2023 này, trong khi chúng ta đặt mục tiêu là 8 triệu lượt du khách thì họ đã đón đến lượt du khách thứ 25 triệu. Theo dự kiến, năm 2027 Thái Lan đón khoảng 80 triệu lượt du khách, cao gần gấp 3 lần con số của Việt Nam (35 triệu lượt du khách) tận 3 năm sau đó (2030).

Như vậy, visa phải là nút thắt quan trọng cần tháo gỡ đầu tiên, trước khi nói đến sự đa dạng các sản phẩm du lịch, chất lượng của cơ sở lưu trú, hay sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên làm dịch vụ. Vấn đề visa được thông thoáng, thì những lễ hội như lễ hội cà phê, lễ hội phở, lễ hội bánh mì, lễ hội áo dài… mà Việt Nam đã và sẽ tổ chức trong thời gian qua, sẽ đem về nguồn thu gấp nhiều lần hơn nếu bên cạnh du khách nội địa, có sự quảng bá đến du khách quốc tế.

Khó khăn luôn là nhân tố tạo ra động lực và cơ hội. Lần này, dường như thời điểm chín muồi để chính phủ tạo ra một cú hích thật sự cho ngành “công nghiệp không khói” đã đến.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều