Hàng nông sản Việt Nam và câu chuyện giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Mấy ngày gần đây, câu chuyện đang nóng trong xã hội là có gần 5.000 xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc, nằm la liệt ở cửa khẩu. Và một lần nữa, vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc của hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc lại được đặt ra.
Nguyên nhân chính là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa, là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.
Phía Trung Quốc giải trình là chính bên phía họ cũng đang tồn khoảng 3.500 xe, như vậy cộng cả hai bên biên giới là 8.000 xe. Vấn đề chính là bên Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero Covid, trong khi đó nhiều lái xe của Việt Nam không thực hiện nghiêm túc 5K, dẫn đến một số người nhiễm Covid-19. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa” – Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã đề xuất các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng ùn tắc này, trong đó có việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Tuy vậy, việc đẩy mạnh tỉ lệ xuất khẩu chính ngạch cũng không đơn giản. Ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, hiện nay tỉ lệ xuất khẩu theo đường chính ngạch vẫn thấp. Thực hiện chính sách biên mậu, với hình thức tiểu ngạch thì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được miễn thuế nhập khẩu, vì vậy họ không mặn mà nhập khẩu qua chính ngạch. Ngoài ra, hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch Covid-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ.
Lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Lý do dễ hiểu là Việt Nam ở cạnh Trung Quốc, dễ dàng vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không chi phí rẻ. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc dễ tính hơn nhiều so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Điều này phù hợp với tập quán canh tác, trình độ sản xuất của nông dân Việt nam. Tuy nhiên, hiện nay chính thị trường Trung Quốc cũng đang dần dần không còn dễ tính nữa, khi đặt ra các yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, thậm chí tương đương với các tiêu chuẩn ở một số thị trường khó tính khác.
Theo ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP.Nam Ninh, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%. Tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch của Trung Quốc, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nhập khẩu từ Việt Nam cũng làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ trong thông quan. Trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.
Như vậy, câu chuyện giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bản chất chính là “thoát ta”. Chính nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp phải tự nâng tầm mình, đưa ra sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với thị hiếu. Thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng và không ai muốn bỏ. Có một bài báo dẫn lại câu chuyện đầu năm nay, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan với lý do kiểm dịch thì người Đài Loan đã “hóa giải” bằng cách kêu gọi giải cứu. Thực tế là mỗi năm Đài Loan sản xuất 420 nghìn tấn dứa nhưng tiêu thụ trong nước tới 90% và chỉ xuất khẩu khoảng hơn 41 nghìn tấn, 97% trong số này là vào thị trường Trung Quốc. Khi bị Trung Quốc cấm nhập, Đài Loan chỉ đơn giản là kêu gọi doanh nghiệp trong nước mua thêm và xuất đi nước ngoài được khoảng ¼ số này. Đây là một biện pháp “giải cứu” khá nhẹ.
Một câu chuyện khác liên quan đến việc Australia phải giải cứu khi căng thẳng với Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh áp mức thuế nhập khẩu 80,5% đối với lúa mạch Australia, khiến các nhà xuất khẩu lúa mạch nước này chao đảo. Danh sách trừng phạt nối dài với thịt bò, rượu vang, lúa mỳ, len cừu, tôm hùm, đường, đồng, gỗ, nho, bông đến than đá và khí đốt hóa lỏng. Australia sau đó chuyển hướng xuất khẩu đi nước khác và thành công với một số mặt hàng là nguyên phụ liệu thô. Trong khi đó, đồ gỗ và rượu vang Australia, vốn phần lớn được sản xuất phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc, vẫn điêu đứng bởi hàng rào thương mại. Những mặt hàng nằm trong chuỗi cung ứng công nghệ và sản xuất toàn cầu còn vấp phải thách thức phức tạp hơn.
Như vậy, ngay cả đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển và trình độ sản xuất cao như Đài Loan hay Australia thì việc muốn tách rời thị trường Trung Quốc là một việc làm quá tốn kém và thực chất là bất đắc dĩ. Giải pháp căn cơ nhất với hàng nông sản Việt Nam hiện nay là tự nâng tầm mình và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh rủi ro phụ thuộc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1-2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác, như Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan… tăng. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ tăng từ 3,9% lên 4,3%, Thái Lan từ 5% lên 5,2%, thị trường Đài Loan từ 1,3% lên 2,9%…
Điều đáng mừng là hiện nay, không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng đang giảm dần phụ thuộc vào thị trường nước láng giềng. Giới kinh doanh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Chẳng hạn, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp nhà kinh doanh Việt Nam có thêm thị trường mới.
An Diễm