Hàng nghìn người thiện nguyện đội mưa chờ thuyền vào cứu trợ cho dân rốn lũ trong đêm
Họ là những cá nhân, hội nhóm từ thiện đến từ nhiều tỉnh thành. Mang theo nhu yếu phẩm, lương thực thuốc men nóng lòng đến với bà con ở Lệ Thủy, Quảng Bình đang hứng chịu lũ lụt.
Chưa bao giờ, cả tỉnh Quảng Bình gồng mình chống chọi với lũ lụt đặc biệt lớn và dốc toàn lực để cứu trợ như bây giờ.
Mưa lũ đã làm hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập, không chỉ người dân ở trong các ngôi nhà đơn lẻ mà người dân được sơ tán đến các ngôi nhà cao tầng, trụ sở UBND xã, trường học, bệnh nhân đang điều trị bị mắc kẹt tại các bệnh viện huyện bị nước lũ bao vây… đều thiếu lương thực, nước uống.
Nhiều người phải chia nhau gói mì tôm ăn sống cầm hơn, thậm chí có người đã nhiều bữa không có cái ăn.
Nóng lòng về với bà con vùng lũ
Chiều tối 20/10 tại tuyến vào xã Cam Liên (huyện Lệ Thuỷ), hàng chục phương tiện chở đoàn người đi cứu trợ đến từ nhiều tỉnh thành vẫn nằm bên đường để chờ thuyền chở vào phát lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Chị Trần Thị Thuỳ Giang (40 tuổi, TP Huế) cho biết, nghe tin đồng bào Quảng Bình bị ngập lụt nặng nề nên chị và bạn bè đã mua lương thực, bánh kẹo chở xe tải ra để đến cứu trợ cho bà con.
Tuy nhiên do tuyến đường nhỏ, lượng phương tiện nhiều, nên các đoàn phải chờ nhau. Có mặt từ 16h30 nhưng đến 19h chị vẫn chưa thể có thuyền để di chuyển vào điểm cần cứu trợ.
“Dù là đêm nhưng nếu có thuyền, ca nô chúng tôi vẫn sẵn sàng mang vào phát cho dân. Chúng tôi biết họ đang rất cần”, chị Giang nói.
Chị Nguyễn Thị Nhị (thị trấn Kiến Giang, Lệ Thuỷ), mấy ngày qua cũng đã nhiều lần vào vùng ngập lụt Cam Liên để cứu trợ nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con. Tối 20/10, chị tiếp tục cứu trợ nhưng không có thuyền nên phải quay ra.
“Họ đói và rét. Tuy nhiên, những ngày này đoàn cứu trợ về nhiều nên đỡ hơn. Giờ cái cần nhất của họ là áo phao, đèn pin, gạo nấu cơm tại điểm sơ tán tập trung. Còn chính quyền thì rất cần ca nô, thuyền để giúp dân chạy lũ”, chị Nhị cho hay.
Chị Giang, chị Nhị là hai trong số nhiều người mong muốn đến với người dân trong đêm để phát hàng cứu trợ. Có thể phải quay trở lại bởi những lái thuyền không muốn những người làm từ thiện di chuyển giữa dòng nước lũ trong đêm bởi rất nguy hiểm.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện cho hay, dân vùng lũ hiện đang rất cần lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Khi các đoàn cứu trợ về, huyện đã thành lập ban chỉ đạo tiếp nhận, trong đó bố trí hơn 100 chiếc thuyền, ca nô để đưa các đoàn cứu trợ có thể đến với bà con.
Ông Tình bày tỏ sự trân trọng với tấm lòng của người dân cả nước, các đoàn cứu trợ đã đến với dân vùng lũ, và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức. Huyện sẽ cố gắng hết sức để tổ chức tiếp nhận chu đáo
Những suất cơm có thịt ấm lòng
Ở Quảng Bình, hiện ở các vùng ít bị ảnh hưởng của mưa lũ, người dân có gì ủng hộ nấy. Họ góp tiền mua gạo, thực phẩm về nấu cơm, nơi không có thực phẩm, rau xanh thì nấu xôi, làm bánh, gửi đến các vùng ngập lụt sâu.
Từ 4h sáng, nhóm anh em làm Du lịch Quảng Bình với hàng chục tình nguyện viên đã đỏ lửa nấu cơm để kịp giờ đóng gói suất ăn, chuyển đi các vùng lũ, nhờ công an, quân đội, và chính quyền có ca nô đi phát cho bà con.
Anh Bùi Xuân Hoàng, làm việc tại Sở Du lịch Quảng Bình là một thành viên rất tích cực của nhóm cho biết, hiện nhóm đang kêu gọi 10.000 suất ăn cho bà con vùng lũ.
Vì tình hình mưa lũ nên có gì anh em nấu nấy nhưng luôn đảm bảo cơm có thịt hoặc cá, rau, canh… đầy đủ chất dinh dưỡng để bà con ấm lòng.
Sáng 20/10, từ sớm các mẹ, các chị, các em đã tập trung tại “đại bản doanh” của nhóm anh em du lịch là nhà hàng Phương Mận để chuẩn bị 1500 suất ăn để chuyển lên TT Phong Nha và huyện Lệ Thủy.
Không chỉ nhóm anh em du lịch Quảng Bình, nhóm của chị Phương Nguyễn cũng đang nấu cơm để tặng bà con vùng lũ. “Trưa nay chúng tôi đã nấu 1.000 suất cơm, 500 suất xôi, 300 bánh mì, 20 thùng lương khô, 30 thùng nước, sữa, 3 tạ gạo… lên đường đến với bà con vùng nam Ba Đồn, Quán Hàu, Tân Hóa, Duy Ninh, Ngư Thủy Bắc”chị kể.
“Nhìn nụ cười của một cụ ông 86 tuổi ở thôn Phú Cường, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch sau khi được các tình nguyện viên phát cơm khiến chúng tôi rơi nước mắt. Cụ bảo 3 ngày nay chỉ ăn 1 gói mì tôm sống, nước rút nhưng mất điện, củi cũng trôi nên rất cần đồ ăn”, chị Phương Nguyễn nói thêm.
Hải Sâm – Quang Thành/VNN