+
Aa
-
like
comment

Hàng ngàn thí sinh vào đại học hàng đầu cả nước ‘nhẹ tênh’, liệu chất lượng có đảm bảo?

11/07/2019 07:45

Từ đầu tháng 7 đến nay, hàng ngàn thí sinh được “điểm mặt, gọi tên” tuyển thẳng vào nhiều trường đại học hàng đầu cả nước.

Trong khi chờ điểm thi THPT quốc gia được công bố vào ngày 14/7 tới, hàng ngàn thí sinh đã biết kết quả trúng tuyển vào ĐH bằng phương thức tuyển thẳng hoặc xét học bạ. Đây là hai phương thức được xem là vào ĐH “nhẹ tênh” nhất khi thu hút rất đông phụ huynh, thí sinh quan tâm ngay từ khi bắt đầu làm hồ sơ.

Chưa biết điểm thi đã trúng tuyển

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong những trường đầu tiên tại TP.HCM vừa công bố kết quả trúng tuyển cho số thí sinh “khủng” nhất với hơn 2.000 thí sinh vào học khóa 45, năm học 2019-2020. Số này chiếm 30% chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường này.

Trong đó, ở diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT có 36 thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 22 thí sinh phổ thông dân tộc thiểu số với kết quả ba năm THPT đạt loại Giỏi trở lên.

Còn lại là những thí sinh được xét theo học bạ có các thành tích cao khác trong thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố năm học 2018-2019, có kết quả học tập cao ở THPT theo tiêu chí đề ra của trường.

Tương tự, ba trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có thông báo trúng tuyển ĐH cho gần 1.500 thí sinh theo diện tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT và ưu tiên xét tuyển. Cụ thể, ĐH công nghệ thông tin có 361 thí sinh, ĐH Quốc tế có 387 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học sinh giỏi theo quy chế của ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH khoa học tự nhiên có 697 thí sinh được tuyển thẳng.

Bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển xét theo học bạ với nhiều mức điểm khác nhau. Như vậy, hàng chục ngàn thí sinh vào ĐH một cách “nhẹ tênh”. Như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa công bố, điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ vào trường năm nay là 24-28,1 điểm, tùy theo ngành.

Mức điểm này là tổng điểm trung bình năm học kỳ của ba môn theo tổ hợp xét tuyển, không tính học kỳ 2 năm lớp 12.

Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ở cả hai hệ đào tạo chất lượng cao tiếng Việt và tiếng Anh với mức điểm lần lượt là 28,1 và 28 điểm.

Tương tự, điểm chuẩn học bạ đợt 1 của ĐH công nghệ TP.HCM năm nay cũng dao động 18-24 điểm, tùy theo ngành và tổ hợp môn xét tuyển. Hay như điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM theo học bạ cũng chỉ 18-22 điểm cho 20 ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy của trường.

Hang ngan thi sinh vao dai hoc hang dau ca nuoc 'nhe tenh', lieu chat luong co dam bao? hinh anh 1
 Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ảnh: P.ANH

Chất lượng ra sao?

Năm nay, phương thức xét học bạ và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được phần lớn các trường ĐH trên cả nước sử dụng để tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hơn 30% tổng chỉ tiêu của các trường ĐH-CĐ năm nay dành cho xét tuyển bằng các phương thức khác như học bạ, tuyển thẳng, dùng điểm đánh giá năng lực…, tức gần 148.000 thí sinh.

Đây cũng là lý do khiến phụ huynh, thí sinh quan tâm lớn khi đăng ký làm hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, với lượng lớn thí sinh trúng tuyển “nhẹ tênh” như vậy cũng khiến không ít người lo ngại về chất lượng thí sinh, cũng như gian dối trong hồ sơ kết quả THPT để được trúng tuyển

Theo PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban đại học (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc xác định chỉ tiêu tuyển thẳng không có quy định cụ thể, nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM thường căn cứ vào thực tiễn trong tuyển sinh các năm trước để xác định chỉ tiêu tuyển thẳng cho năm sau.

Theo ông Vũ, ĐH này cũng chưa có đánh giá cụ thể nhưng số thí sinh tuyển theo diện này không nhiều và kết quả học tập ở ĐH của các em cũng khá tốt. Tuy nhiên, chỉ tiêu và kết quả tuyển cụ thể sẽ tùy vào từng trường, nhưng cũng cần thận trọng để chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng Phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hơn 2.000 thí sinh được trường báo trúng tuyển vừa qua được trường xét chọn từ hơn 6.500 thí sinh. Đây chỉ là số thí sinh được nhà trường báo gọi nhập học nhưng số đến nhập học sẽ ít hơn.

“Gọi là xét học bạ nhưng những tiêu chí của trường cũng khắt khe về học lực, thành tích, chứ không phải tuyển đại trà. Dù chưa có đánh giá cụ thể nhưng căn cứ vào kết quả học tập hằng năm, chúng tôi thấy các em có học lực tốt, tuyển đúng những đối tượng cần đào tạo. Nhiều em dành được học bổng đều từ nguồn trúng tuyển bằng học bạ” – ông Đương nói.

Còn theo ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, năm nay hầu như em nào cũng đăng ký nhiều cách thức khác nhau để xét tuyển, nên cơ hội đỗ đại học ĐH rộng mở và dễ dàng hơn. Nhiều em chọn xét học bạ hay tuyển thẳng vì đây là giải pháp đơn giản và bớt áp lực thi cử, lo lắng nhất.

Hủy kết quả nếu không xác nhận nhập học

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH của Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định của Bộ trước ngày 24/7 tất cả trường phải báo cáo kết quả xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển về Vụ giáo dục ĐH.

Năm nay, Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký vào ĐH theo điểm thi THPT Quốc gia và cả các phương thức tuyển sinh. Vì thế, thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường ĐH, nhiều ngành một lúc. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự cao nhất theo điểm thi THPT Quốc gia. Hoặc ở các phương thức khác, thí sinh trúng tuyển ở phương thức nào phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT theo thời hạn quy định của từng trường.

Quá thời hạn đó, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Còn thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

(Theo VTC News)

Bài mới
Đọc nhiều