Hàng loạt tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam 2022
Sau khi công bố GDP quý I/2022, hàng loạt các tổ chức quốc tế đều đã công bố báo cáo, nâng cao dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022. Qua đó đưa ra nhận định nỗ lực tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương của Chính phủ là một trong những động lực chính giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Mới nhất, ngay trong họp báo sáng 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
“Việt Nam với dân số 100 triệu dân và tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh chính là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp họ tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khác”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam, đánh giá.
Ông Andrew nói thêm: “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh”.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam chia sẻ, ngành công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng 2 so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực chính tăng trưởng của GDP. Dự báo trong năm 2022, công nghiệp sẽ tăng trưởng 9,5% đóng góp 3,6 điểm % tăng trưởng GDP. Mức đóng góp của nông nghiệp và dịch vụ lần lượt là 0,3 và 2,3 điểm %.
Các chuyên gia của ADB nhận định, các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trong năm nay.
Các hiệp định, chính sách đặc biệt chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng nhận định, trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5%. Đáng chú ý dự báo mới về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 của World Bank thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo được ngân hàng này đưa ra hồi giữa tháng 1 năm nay.
Dự báo tăng trưởng 5,3% được World Bank căn cứ theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.
“Việt Nam là nước thành công trong việc cải thiện cán cân thương mại trong thời gian qua. Trong khi các nước khác trong khu vực ít có dịch chuyển hơn. Để tận dụng các cơ hội xuất khẩu mới, doanh nghiệp cần thực hiện cải cách, đặc biệt là về công nghệ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động nắm bắt cơ hội tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu để tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa”, ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nhận định.
Tuy nhiên, World Bank triển vọng những trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Như tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại từ căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
“Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng COVID-19 mới”, World Bank nhận định.
Bên cạnh đó, World Bank cho rằng phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến tạm thời gián đoạn cung lao động và sản xuất.
World Bank đánh giá vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiềm soát rủi ro trong khu vực tài chính.
Tổ chức này nhận định trong trường hợp có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu là tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
Cách đây ít ngày, HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay. Theo dự báo, HSBC cho rằng Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. Tình hình này sẽ khiến các chỉ số bên ngoài của Việt Nam bị thu hẹp, dẫn đến lần thâm hụt tài khoản vãng lai lần thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Bảo Trâm (Theo World Bank, ADB, HSBC)