Hàng loạt thi thể trôi nổi trên sông Hằng, ngư dân lo ngại về nguồn cá
Cảnh tượng quen thuộc trong suốt cả tháng qua tại Ấn Độ là các thi thể – chưa rõ nguyên nhân tử vong – trôi nổi trên mặt nước, bị vùi lấp trong cát tại sông Hằng.
Darsan Nishad – người đàn ông 35 tuổi làm việc cho một chương trình môi trường địa phương – đã kéo 8 thi thể này lên khỏi mặt nước. Sau đó, anh buộc những thi thể này lại bằng bao tải để mang đi kiểm tra nguyên nhân tử vong.
Cuối cùng, những nạn nhân xấu số sẽ được hỏa táng – theo nghi thức của người theo đạo Hindu.
“Chúng tôi không biết những thi thể này đến từ đâu. Chúng tôi thậm chí còn không biết họ có mắc bệnh gì hay không”, anh Nishad kể lại, trong khi tay chỉ vào khu vực mà anh cùng đồng nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.
Buồn bã trước trải nghiệm này, Nishad chia sẻ niềm tin của bản thân vào sông Hằng – nơi những người theo đạo Hindu tôn kính như một dòng sông linh thiêng. Theo tín ngưỡng Hindu, ai từng tắm trên dòng sông sẽ được gột rửa mọi tội lỗi.
“Dòng sông có ý nghĩa tâm linh rất lớn với chúng tôi. Người Ấn Độ tin rằng nếu bạn ngâm mình trong dòng nước này dù chỉ một lần, bạn sẽ được bảo vệ suốt đời”, Nishad nói, đứng cách dàn hỏa táng trên sông vài bước chân.
“Đối với chúng tôi, dòng sông chính là nữ thần”, anh Nishad xúc động.
Đây chỉ là con số nhỏ trong hàng trăm thi thể khác trôi nổi hoặc bị cát vùi lấp trong suốt cả chiều dài con sông trong bối cảnh Ấn Độ hứng chịu hậu quả nặng nề thứ hai trên thế giới vì đại dịch Covid-19, chỉ sau Mỹ.
Ngư dân lo lắng Bí ẩn xung quanh các thi thể vẫn chưa có lời giải đáp. Giới chức trách chưa thể tìm ra trong số các thi thể đó có bao nhiêu người mắc Covid-19.
Nhiều người tin rằng một số gia đình đã chọn biện pháp cực đoan – thả thi thể người thân xuống sông Hằng – do không có đủ tiền chi trả cho việc hỏa táng.
Trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai “nhấn chìm” Ấn Độ, nghi thức hỏa táng chỉ có giá là 70 USD. Tuy nhiên, giờ đây con số đã lên tới hơn 400 USD – cao hơn gần 6 lần – kể từ cuối tháng 4.
Ở Sujabad – một cộng đồng lớn phụ thuộc vào dòng sông Hằng để kiếm sống – nhiều người hiện không có việc làm.
Đại dịch Covid-19 đã khiến những người chèo thuyền trên sông chở khách hành hương và khách du lịch mất việc. Với hiện tượng thi thể liên tục thả xuống sông gây ô nhiễm, các ngư dân địa phương lo lắng về việc đánh bắt và nguồn cá sẽ bị ảnh hưởng. Đối với nhiều người, nguồn cá trên con sông linh thiêng là con đường mưu sinh từ lâu.
Theo người dân ở đây, ngành kinh doanh phát đạt nhất lúc này chính là cung cấp gỗ cho dàn hỏa thiêu.
Tính đến ngày 23/5, Ấn Độ ghi nhận hơn 26,2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 295.000 ca tử vong. Số ca nhiễm mới mỗi ngày của Ấn Độ gần đây đã giảm, nhưng số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua vẫn ở mức cao, trên 4.000 người mỗi ngày.
“Cơn sóng thần” Covid-19 đã khiến nền kinh tế Ấn Độ đứng trên bờ vực sụp đổ.
Giống như những thi thể được tìm thấy trên sông Hằng – cho dù họ chết vì nhiễm virus corona, đau tim hay già yếu – cư dân tại những cộng đồng như Sujabad đều đang là nạn nhân của virus này.
Chính quyền vào cuộc Những hình ảnh thi thể trôi nổi đã thôi thúc giới chức trách vào cuộc. Các tàu tuần tra được điều động trên khắp hơn hơn 2.400 km chiều dài sông Hằng.
Chính quyền tiểu bang và địa phương đã thiết lập mạng lưới địa điểm hỏa táng miễn phí – cung cấp củi và mời thầy tu làm lễ cho các gia đình không có đủ điều kiện.
Hàng trăm lò hỏa táng như vậy đã được mở ra trên khắp Varanasi – thành phố thánh nằm bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, đồng thời là nơi có chuỗi các bậc thang dẫn xuống sông Hằng (gọi là ghats).
Thông thường, những người theo đạo Hindu sẽ tụ tập rất đông tại ghats để tắm rửa, rửa tội cho con cái và rải tro cốt những người đã khuất.
Tuy nhiên, giờ đây các ghats không một bóng người, trong khi các lò hỏa táng hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm.
Tại trung tâm thành phố Varanasi, các quan chức đã thành lập một “trung tâm chỉ huy” Covid-19. Tại đây, hàng nghìn nhân viên sẽ tiếp nhận cuộc gọi từ người dân, kiểm tra bệnh nhân, đặt xe cứu thương cho người cần nhập viện và sắp xếp dịch vụ hỏa táng.
Một màn hình lớn được treo trên tường liên tục hiển thị thông tin mới nhất về số giường bệnh, nguồn cung cấp oxy và số ca nhiễm mới.
“Tôi đã thực hiện nghi thức tang lễ 15 lần trong vòng hai ngày qua, hầu hết người chết là bệnh nhân nhiễm virus corona. Những người không tử vong vì bệnh này cũng tìm đến đây”, ông Kumar nói.
“Đại dịch quả thực quá tàn khốc! Mọi người đều sợ hãi và đau khổ. Tôi không thể ngăn chặn được những điều đang xảy ra, nhưng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện. Tôi hy vọng điều đó sẽ mang lại sự bình yên cho thân nhân những người đã khuất”.
Nghèo cũng vẫn phải làm lễ Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, không có dịch vụ nào tương tự dành cho gia đình có người chết vì Covid-19 hoặc vì các nguyên nhân khác.
Dù phải trả thêm chi phí, nhiều người vẫn thực hiện các chuyến đi đến ghats để cầu nguyện cho người thân theo đúng phong tục Hindu giáo. Họ cho rằng kể cả thêm gánh nặng kinh tế trên vai, họ vẫn phải chịu để tuân theo đúng truyền thống tổ tiên.
Nhà báo của Washington Post đã chứng kiến một nhóm nông dân tìm đến một trong những ghats lâu đời nhất của thành phố Varanasi để thực hiện tang lễ cho ba người thân.
Họ chuẩn bị lễ vật bao gồm viên bột và gia vị, gói trong những chiếc lá lớn dưới sự giám sát của một giáo sĩ Hindu. Sau khi thi thể ba người thân được ban phước, những người đàn ông bước xuống ghats, thả trôi lễ vật trên sông và bắt đầu rải tro.
Sau đó, bên cạnh tiền hỏa táng, nhóm người còn phải trả tiền lễ cho nghi thức vừa rồi. Họ lo lắng đếm từng đồng đã tích cóp, cộng thêm các chi phí cho thợ cắt tóc, người chụp ảnh và quà tặng.
Họ không ngại ngần cam chịu chi trả chi phí đắt đỏ để hoàn thành nghĩa vụ tôn giáo vào thời điểm đầy mông lung, sợ hãi về một thế lực vô hình và chết chóc.
“Trong nhiều thế hệ, dân làng đã đến đây để thực hiện những nghi lễ cuối cùng của đời người”, Lakshmi Singh, một nông dân ở độ tuổi 60 cho biết.
Phương Linh