+
Aa
-
like
comment

Hàng loạt quốc gia chuyển trạng thái từ “đại dịch” sang “thích ứng, sống chung với đại dịch”

Bảo Trâm - 29/09/2021 12:26

Theo CNN, khi mà các chuyên gia y tế thế giới nhận định: việc xóa sổ virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là điều khó có thể làm được, thì kịch bản phải sống chung với đại dịch này đang được các nước dần dần…chấp nhận.

Kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, Covid-19 đã khiến hơn 233 triệu người trên thế giới mắc bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người, gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên toàn cầu. Không ít lần chúng ta đã đặt câu hỏi: Đại dịch khi nào sẽ kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào?

Đây có lẽ sẽ vẫn là một câu hỏi khó và các nhà khoa học, các chuyên gia y tế cần có nhiều thời gian hơn để tiếp tục có những công trình nghiên cứu về loại virus gây dịch bệnh nguy hiểm này.

Chính Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Mike Ryan đã đưa ra nhận định mới rằng, Covid-19 có thể sẽ là “phần tất yếu” của thế giới trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới . Điều này đồng nghĩa với việc những hy vọng trước đó về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch này cũng đang dần nguội tắt.

Điều đó có nghĩa rằng Covid-19 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Hành khách tại Nhà ga Ngã tư Vua (London, Anh) gần đây

Vì vậy, sống chung với Covid-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế. Để sống chung an toàn với Covid-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.

Với nhiều quốc gia phương Tây, phong tỏa lâu dài không còn được xem là giải pháp hữu hiệu chống Covid-19, bởi cách làm này có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Thay vào đó, không ít nước chọn mở cửa và đặt cược vào chiến dịch tiêm chủng, với hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng khi 70-80% dân số tiêm vaccine.

Trong một bài viết trên National Post hồi tháng 7, Rodney Russell, giáo sư virus học và miễn dịch học tại Đại học Memorial ở Newfoundland, Canada, cho rằng phong tỏa không phải là cách bền vững để ứng phó với chủng Delta, bởi các hoạt động kinh tế vẫn phải tiếp tục.

Chúng ta phải chấp nhận rằng Covid-19 giờ đây là một phần của thế giới và phải đối phó với nó bằng cách tốt nhất, nhưng không thể cứ phong tỏa mãi“, ông Russell viết.

Tiến sĩ Jennifer Russell, quan chức phụ trách lĩnh vực y tế của tỉnh New Brunswick, Canada, cho hay các địa phương ở Canada đang chuyển trạng thái từ “đại dịch” sang “thích ứng với đại dịch”. “Điều này đồng nghĩa Covid-19 sẽ là một phần trong cuộc sống bình thường của chúng ta, có thể trở thành một căn bệnh hô hấp theo mùa, nhưng không gây tử vong cao“, Russell nói.

Đây cũng được xem là bình thường mới của hầu hết các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ: “Sống chung với đại dịch!”.

Ở một diễn biến khác, Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới với 82% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ, Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ “Không Covid-19” mà thay vào đó sẽ học cách “sống chung với virus”.

Quốc gia 5,7 triệu dân mới chỉ ghi nhận 85 ca tử vong, dù số ca mắc Covid-19 là 91.775 ca. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu. Singapore đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để hướng đến sống chung với Covid-19.

Ngoài Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Cuba, Thái Lan…đều đã và đang từng bước khởi động lại nền kinh tế, mở cửa du lịch, chấp nhận “sống chung với đại dịch” và xem đó là bình thường mới của xã hội tiên tiến.

Có thể thấy, “sống chung an toàn” với đại dịch đã không còn là phương châm của riêng quốc gia nào. Sự thay đổi này không phải là đầu hàng mà là một bước chuyển mình, hướng đến việc chủ động kiểm soát để chiến thắng Covid-19. Học cách thay đổi cũng là một cách để thế giới thích ứng tốt hơn với bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong tương lai.

Bảo Trâm (Theo CNN, Straits Times)

Bài mới
Đọc nhiều