+
Aa
-
like
comment

Hàng loạt nước trên thế giới đã ghi nhận nhiễm biến chủng Omicron

29/11/2021 09:55

Một loạt các quốc gia châu Âu (Italy, Hà Lan, Anh, Bỉ) đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 do siêu biến thể Omicron gây ra, Canada là quốc gia mới nhất công bố phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 28/11.

Canada xác nhận hai trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở thủ đô Ottawa, Canada Broadcasting Corporation đưa tin.

Cả hai trường hợp đều là những du khách mới đến từ Nigeria.

“Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” “

Hôm nay, tỉnh Ontario đã xác nhận hai trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở Ottawa. Cả hai đều được báo cáo đã đi du lịch gần đây ở Nigeria. Cơ quan Y tế Công cộng Ottawa đang tiến hành giám sát trường hợp này và truy vết, các bệnh nhân đã được cách ly”, chính quyền Ontario cho biết.

Trước đó, vào hôm 26/11, chính phủ Canada đã ra lệnh cấm những du khách từng đi qua các nước Nam Phi trong hai tuần qua nhập cảnh.

Canada phát hiện hai người nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: AP.

“Cách phòng thủ tốt nhất trước biến chủng Omicron là ngăn chặn nó ở biên giới. Ngoài các biện pháp được công bố gần đây, chúng tôi tiếp tục thúc giục chính phủ liên bang thực hiện các bước cần thiết để bắt buộc xét nghiệm cho tất cả du khách bất kể họ đến từ đâu”, Phó thủ hiến tỉnh bang Ontario Christine Elliott và Giám đốc y tế công cộng Kieran Moore cho biết.

Những nơi đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron: Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Australia, CH Czech, Anh, Đức, Italy, Bỉ, Israel, Hong Kong, Botswana và Nam Phi.

Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói rằng ông không ngạc nhiên khi biến chủng này xuất hiện ở Ontario. “Trên thực tế, biến chủng này có thể đã xuất hiện cách đây vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Vào thời điểm bắt đầu xác định, biến chủng thường đã lan rộng, đặc biệt là đối với một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan như thế này”, ông Bogoch nói.

“Tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta ghi nhận một số trường hợp nhiễm ở Canada. Sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều trường hợp khác được báo cáo trong tương lai gần”, ông cho biết thêm.

Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta. Ảnh: RT.

Trong ngày 28/11, Hà Lan, Đan Mạch, Australia đều công bố đã xác nhận những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.

Các nhà chức trách y tế Hà Lan cho biết 13 trường hợp mắc biến chủng này đã được phát hiện trong số các hành khách trên chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam vào hôm 26/11.

“Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo de Jonge nói.

Cùng ngày, Bộ Y tế Pháp thông báo đã phát hiện 8 trường hợp có thể nhiễm biến chủng Omicron ở nước này giữa lúc chính phủ thông báo sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan.

“Các trường hợp này đang được xem xét là có khả năng nhiễm biến chủng Omicron và từng tới phía nam châu Phi trong 14 ngày qua”, Bộ Y tế Pháp cho biết trong một tuyên bố.

Cũng theo tuyên bố, giới chức trách sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để xác nhận đó có phải ca nhiễm biến chủng Omicron hay không, nhưng những người tiếp xúc gần với các trường hợp trên đã được cách ly.

Trước đó, các ca nhiễm biến chủng Omicron đã được ghi nhận ở CH Czech, Đức, Bỉ, Israel, Botswana, Anh, Hong Kong và Nam Phi – nơi đầu tiên phát hiện biến chủng mới.

Các nước chạy đua ngăn chặn biến chủng Omicron

Hàng loạt nước trên thế giới đã nhanh chóng áp đặt các lệnh cấm đi lại hoặc hạn chế nhập cảnh từ các nước phía nam châu Phi để cố gắng ngăn chặn virus.

Nam Phi, quốc gia là nơi biến chủng Omicron khởi phát, hiện bị nhiều nước ra quyết định ngăn chặn việc đi lại bằng đường hàng không.

Israel là nước tiên phong thực hiện biện pháp ngăn chặn biến chủng mạnh tay nhất, khi cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh chỉ sau một thời gian mở cửa. Thủ tướng Naftali Bennett cho biết lệnh cấm, đang chờ chính phủ phê duyệt, sẽ kéo dài 14 ngày.

Nước này đồng thời cũng áp dụng lại công nghệ theo dõi điện thoại vốn được dùng để chống khủng bố để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng.

Những nước mới nhất công bố quy định hạn chế du lịch ở các nước châu Phi vào hôm 28/11, gồm có Indonesia và Saudi Arabia.

Anh cho biết họ sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng y tế G7 vào ngày 29/11 để thảo luận về diễn biến dịch bệnh, Reuters đưa tin.

Khách du lịch rời khỏi khu vực xét nghiệm tại Sân bay Quốc tế Ben Gurion sau khi Israel áp đặt các hạn chế mới gần Tel Aviv. Ảnh: Reuters.

Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết chính phủ của ông đang xem xét áp dụng tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc ở một số khu vực.

Nam Phi đã lên án các biện pháp hạn chế đi lại của các nước là không công bằng và có khả năng gây hại cho nền kinh tế của mình.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, cho biết không giống như Delta, cho đến nay bệnh nhân nhiễm Omicron không bị mất khứu giác hoặc vị giác, và không có sự sụt giảm nghiêm trọng về nồng độ oxy.

Các triệu chứng của Omicron cho đến nay rất nhẹ và có thể được điều trị tại nhà.

Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 27/11 bày tỏ bức xúc với lệnh cấm bay của nhiều nước trên thế giới, cho rằng nước này đang bị “trừng phạt” vì phát hiện biến chủng mới được WHO xác định là “đáng lo ngại” và lây truyền mạnh hơn biến chủng Delta.

Việc một số quốc gia trên thế giới quyết định cấm các chuyến bay từ phía nam châu Phi sau khi biến chủng mới được phát hiện “giống như trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiến bộ và khả năng phát hiện các biến chủng mới nhanh hơn”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết.

Bộ này chỉ ra rằng các ca nhiễm biến chủng mới cũng được phát hiện ở các nơi khác trên thế giới.

“Nhiều trường hợp không có liên hệ gần đây với Nam Phi nhưng phản ứng với các nước đó hoàn toàn khác với các trường hợp ở phía nam châu Phi”, tuyên bố nêu rõ.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đối phó dịch bệnh Nam Phi, ông Tulio de Oliveira khẳng định nước này sẽ chia sẻ các mẫu biến chủng Omicron cho các cơ quan an ninh sinh học chính trên thế giới, như nước này đã làm với biến chủng Beta, nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với các biến chủng càng sớm càng tốt.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều