+
Aa
-
like
comment

Hàng loạt hãng xe lớn Nhật Bản thừa nhận gian lận

Đông Duy - 04/06/2024 14:19

Toyota, Mazda, Honda, Suzuki và Yamaha đã thừa nhận có hành vi gian lận trong quá trình kiểm tra an toàn và khí thải.

Chủ tịch HĐQT Toyota - Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 3/6/2024.
Chủ tịch HĐQT Toyota – Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 3/6/2024.

Sau bê bối về sai phạm trong kiểm tra an toàn của Daihatsu, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô và xe máy trong nước điều tra lại các hoạt động của họ từ năm 2014.

Kết quả điều tra cho thấy Toyota, Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha đã thừa nhận có hành vi gian dối, đồng thời phải tạm dừng sản xuất, xuất xưởng và bán các mẫu xe liên quan.

Toyota: Cung cấp dữ liệu sai lệch về thử nghiệm an toàn

Toyota thừa nhận đã khai báo sai lệch dữ liệu trong các bài kiểm tra an toàn cho người đi bộ và người ngồi trên xe đối với các mẫu xe Corolla Fielder (bản wagon), Corolla Axio (bản sedan) và Yaris Cross đang được sản xuất.

Trong số này, Yaris Cross là cái tên đáng quan tâm nhất. Tuy nhiên, đây là bản nội địa Nhật, không phải bản sản xuất tại Indonesia đang xuất khẩu về Việt Nam. Đại diện Toyota khẳng định đây là một sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với mẫu xe cùng tên đang bán tại Việt Nam. Từ thiết kế tới nền tảng khung gầm của hai mẫu Yaris Cross đều không liên quan.

Các xe Toyota bị phát hiện gian lận không phải các mẫu đang bán ở Việt Nam.
Các xe Toyota bị phát hiện gian lận không phải các mẫu đang bán ở Việt Nam.

Cuộc điều tra nội bộ của Toyota cũng phát hiện ra rằng các mẫu xe Crown, Isis, Sienta và Lexus RX (cả 4 mẫu đã ngừng sản xuất) đã bị can thiệp trong quá trình thử nghiệm va chạm.

Trong cuộc họp báo ngày 3-6, chủ tịch Toyota Akio Toyoda bày tỏ: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, những người đam mê ô tô và tất cả các bên liên quan”.

Tuy nhiên, Toyota vẫn khẳng định các phương tiện này đều tuân thủ các quy định về an toàn. Do đó, chủ xe không phải thực hiện thêm bất cứ thao tác nào để chiếc xe an toàn hơn.

Mazda: Gian lận dữ liệu động cơ

Trong khi đó, Mazda thừa nhận các cuộc thử nghiệm động cơ trên MX-5 RF và Mazda2 hatchback đã không được tiến hành đúng cách.

Phần mềm trang bị trên xe MX-5 thử nghiệm khác với phiên bản thương mại.
Phần mềm trang bị trên xe MX-5 thử nghiệm khác với phiên bản thương mại.

Hãng xe này cũng thừa nhận các thử nghiệm va chạm trên Atenza/Mazda6 và Axela/Mazda3 (đã ngừng sản xuất) cũng bị làm sai lệch. Một thiết bị bên ngoài đã được sử dụng để kích hoạt túi khí thay vì để cảm biến trên xe tự kích hoạt. Tất cả đều là những đời xe đã ngừng sản xuất.

Giống Toyota, hãng khẳng định các mẫu xe sản xuất đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Honda: Giả mạo dữ liệu về độ ồn

Honda là hãng xe có số lượng mẫu xe liên quan đến gian lận nhiều nhất. Kết quả điều tra nội bộ cho thấy Honda đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật trong các bài kiểm tra tiếng ồn đối với 22 mẫu xe/thế hệ xe đã ngừng sản xuất.

Mặc dù mức độ nghiêm trọng có vẻ thấp hơn, nhưng Honda cũng bị phát hiện gian lận trong các bài kiểm tra độ ồn.
Mặc dù mức độ nghiêm trọng có vẻ thấp hơn, nhưng Honda cũng bị phát hiện gian lận trong các bài kiểm tra độ ồn.

Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm: Inspire, Fit, Fit Shuttle, Shuttle, CR-Z, Acty, Vamos, Stepwgn, Legend, Accord, Insight, Exclusive, CR-V, Freed, N-Box, N-One, Odyssey, N-Wgn, Vezel, Grace, S660, Jade, và NSX. Tất cả là những mẫu được sản xuất từ năm 2009 đến 2017.

Suzuki: Gian lận khoảng cách phanh an toàn

Trong trường hợp của Suzuki, hành vi gian lận chỉ giới hạn ở một mẫu xe duy nhất, đó là chiếc Alto phiên bản LCV thuộc thế hệ cũ được sản xuất từ năm 2014 đến 2017.

Cụ thể, Suzuki đã khai báo quãng đường xe di chuyển từ lúc phanh đến lúc dừng hẳn ngắn hơn so với kết quả đo thực tế.

Suzuki chỉ có mẫu Alto cũ bị ảnh hưởng.
Suzuki chỉ có mẫu Alto cũ bị ảnh hưởng.

Đại diện Suzuki cho biết áp lực tác động lên bàn đạp phanh trong quá trình thử nghiệm riêng lẻ không đủ mạnh như yêu cầu để cho ra kết quả phù hợp tiêu chuẩn an toàn pháp lý. Thay vì tiến hành kiểm tra lại, để kịp tiến độ, hãng đã điều chỉnh dữ liệu với hy vọng chiếc xe sẽ hoạt động tốt hơn trong bài kiểm tra đầy đủ.

Yamaha: Ảnh hưởng đến mẫu mô tô YZF-R1

Hãng xe máy Yamaha cũng có mẫu xe liên quan đến vụ việc. Yamaha thừa nhận đã có những thao tác lệch chuẩn trong quá trình thử nghiệm 3 mẫu xe máy, trong đó có mẫu YZF-R1 hiện vẫn còn được sản xuất.

Yamaha YZF-R1 chưa được phân phối chính thức ở Việt Nam.
Yamaha YZF-R1 chưa được phân phối chính thức ở Việt Nam.

Những mẫu xe bị ảnh hưởng tạm thời bị đình chỉ sản xuất

Chính quyền Nhật Bản sẽ tiến hành điều tra tại chỗ tại cơ sở của các công ty nói trên để xác nhận việc tuân thủ các quy định thử nghiệm của các mẫu xe bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất ô tô cũng đã được hướng dẫn cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các chủ sở hữu bị ảnh hưởng khi cần thiết.

Cuộc điều tra này sẽ dẫn đến việc đình chỉ tạm thời việc sản xuất, vận chuyển các mẫu xe bị ảnh hưởng đang được cung cấp tại Nhật Bản và các thị trường khác trên thế giới.

Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản gọi những bất thường trên sẽ “làm suy yếu lòng tin của người dùng và làm lung lay nền tảng của hệ thống chứng nhận”. Còn Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản – ông Hirokazu Matsuno cho rằng điều này sẽ làm “suy yếu niềm tin vào ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản”.

Dự kiến, ngày 4-6, bộ sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Toyota và sau đó là 4 công ty còn lại trong danh sách trên.

Trước đó, hồi tháng 1-2024, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn và chất lượng đối với 3 mẫu xe do Daihatsu sản xuất sau khi gian lận thử nghiệm ô tô bị phanh phui hồi tháng 12-2023.

Các nhà phân tích cho biết sự cố gian lận thử nghiệm an toàn và chất lượng của Daihatsu đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Toyota. Chỉ tính riêng việc đình chỉ sản xuất trong một tháng sẽ tương đương với sản lượng 120.000 xe, điều này khiến doanh thu của Toyota sẽ giảm 240 tỉ yen (1,68 tỉ USD).

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều