Hàng loạt doanh nghiệp bắt tay thổi giá máy xét nghiệm tại CDC Hà Nội
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định việc đẩy giá máy xét nghiệm Covid-19 chênh gấp 3 lần tại CDC Hà Nội có sự câu kết giữa hàng loạt doanh nghiệp cũng như cán bộ cơ quan nhà nước.
Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cùng 9 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đấu thầu kiểu “đẽo chân cho vừa giày”
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2.2020, Sở Y tế Hà Nội giao kinh phí cho CDC Hà Nội để đơn vị này làm chủ đầu tư gói thầu số 15, mua thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 với chi phí dự toán khoảng 9,5 tỉ đồng.
Có bỏ lọt tội phạm?
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, ngoài 10 bị can trong vụ án, còn xác định ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty Phương Đông, có hành vi phạm tội. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thành đã thống nhất với Nguyễn Thanh Tuyền giúp Nguyễn Ngọc Nhất thông đồng với Nguyễn Nhật Cảm; việc ông Thành ký hợp đồng với Công ty Hưng Long giúp các đối tượng nâng giá trị hệ thống Realtime PCR tự động để bán cho CDC với giá 7 tỉ đồng.
“Hành vi của Nguyễn Xuân Thành phạm vào tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò đồng phạm”, kết luận điều tra nêu và cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Thành song Viện KSND tối cao không phê chuẩn.
Theo quy định của luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng kế hoạch thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa dịch vụ của CDC Hà Nội, đã không thực hiện quy định mà bàn bạc với Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông, đơn vị trực tiếp nhập khẩu và phân phối hệ thống Realtime PCR tự động của Hãng Qiagen – Đức), ấn định nhà thầu là Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (Công ty MST) với giá trúng thầu được chỉ định 9,54 tỉ đồng. Dù trị giá thực của gói thầu là hơn 4,1 tỉ đồng nhưng các bị can trong vụ án đã lên kịch bản để vẽ ra mức giá đúng với dự toán ban đầu, gây thiệt hại nhà nước số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.
Chiêu trò thổi giá
Kết luận điều tra nêu việc thổi giá thiết bị y tế tăng gấp nhiều lần là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ CDC Hà Nội và nhiều doanh nghiệp (DN) khác nhau.
Cụ thể, ngày 4.2, Công ty Phương Đông mở tờ khai nhập khẩu 3 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giá thành 1 máy xét nghiệm sau khi tính thuế nhập khẩu và vận chuyển là hơn 2,3 tỉ đồng. Ngày 7.2, Công ty Phương Đông ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần thương mại và công nghệ Hưng Long (Công ty Hưng Long) 1 hệ thống Realtime PCR tự động với giá hơn 3,7 tỉ đồng và 1 máy tách chiết DNA/RNA với giá 450 triệu đồng, tổng giá trị hợp đồng là 4,16 tỉ đồng.
Đến ngày 2.3, Công ty Hưng Long bán các thiết bị trên cho Công ty CP sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ (Công ty KĐ) với giá hơn 5,2 tỉ đồng. Tiếp đó, Công ty KĐ bán các thiết bị này cho Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST) do Đào Thế Vinh làm giám đốc với giá 7,8 tỉ đồng và MST đã bán các thiết bị này cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỉ đồng, cùng với một số phụ kiện khác thành tổng cộng 9,5 tỉ đồng, đúng với gói thầu mà CDC Hà Nội dự toán.
Theo xác minh của cơ quan điều tra, mặc dù việc mua bán thiết bị y tế diễn ra giữa nhiều DN nhưng thực chất chỉ có Công ty MST của Đào Thế Vinh là mua thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỉ đồng rồi bán cho CDC Hà Nội, không có việc mua bán với các công ty còn lại. Việc các bị can mua bán lòng vòng với nhau nhằm mục đích giảm biên độ chênh lệch mua vào bán ra.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn xác định vai trò của Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành khi lập khống chứng thư thẩm định giá mà không dựa vào khảo sát thực tế. Ngoài ra 2 DN báo giá không có thật, trong đó 1 được xác định là DN “ma”.
Chi 15% cho giám đốc CDC Hà Nội?
Cũng theo kết luận điều tra, việc các DN mua bán lòng vòng, thổi giá thiết bị nêu trên đã được lãnh đạo CDC “bật đèn xanh” để được hoa hồng. Cụ thể, khi biết CDC Hà Nội có nhu cầu mua sắm thiết bị, thông qua mối quan hệ cá nhân, Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty Phương Đông đã trao đổi với ông Nguyễn Nhật Cảm.
Theo chỉ đạo của Tuyền, một nhân viên Công ty Phương Đông đã “chế” 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau sang CDC Hà Nội, trong đó mức giá 7 tỉ đồng của Công ty Phương Đông là thấp nhất so với 2 đơn vị còn lại. Khi được ông Cảm đồng ý mua thiết bị với giá 7 tỉ đồng, bị can Nguyễn Thanh Tuyền đã bàn bạc với Nguyễn Ngọc Nhất (đã bị khởi tố trong vụ án), nhân viên Công ty Vitech, việc bán máy cho công ty của Nhất với giá 4 tỉ đồng để sau đó bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỉ đồng.
Tuyền và Nhất bàn bạc sau khi thương vụ hoàn thành sẽ chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm 10%, phần chênh còn lại thì hai bị can chia đôi. Nhất và Tuyền sau đó đã đến phòng làm việc của ông Nguyễn Nhật Cảm để thống nhất Công ty Phương Đông không tham gia đấu thầu mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý. Sau khi bàn bạc, Tuyền đi ra ngoài, còn Nhất ở lại thống nhất với ông Cảm “thương vụ” hoàn tất sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy. Sau đó, việc bán thiết bị cho CDC Hà Nội đã được Nhất chỉ định sang cho Công ty MST của Đào Thế Vinh.
Trong vụ án này có 2 lời khai chi “phần trăm” nhưng do bị can Nguyễn Nhật Cảm không thừa nhận việc bị can Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh bị can Cảm có tư lợi.
Ngoài vụ thổi giá hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ có hay không sai phạm trong việc mua sắm 18 gói thầu trang thiết bị, vật tư, in ấn tài liệu phòng, chống dịch bệnh trị giá khoảng 83 tỉ đồng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).
Thái Sơn/TN