Hàng loạt địa phương báo cáo việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Liên quan bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Long An, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận đã từng mua và sử dụng kit xét nghiệm của công ty này.
Ngày 20/12, ông Huỳnh Minh Phúc – Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, có 4 đơn vị trong tỉnh đã mua kit test của công ty này, bao gồm: CDC Long An, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, BVĐK Khu vực Hậu Nghĩa và BVĐK Khu vực Cần Giuộc.
Hiện, Sở đang đề nghị 4 đơn vị tổng hợp chi tiết số lượng, giá mua để báo cáo UBND tỉnh. Cũng theo ông Huỳnh Minh Phúc, Long An là một trong những địa phương dịch bệnh COVID-19 xảy ra rất phức tạp, để kịp thời phòng chống dịch, các đơn vị được giao chủ động mua kit test COVID-19 bằng hình thức chỉ định thầu.
Còn với tỉnh Bình Thuận, ông Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này cho hay, có mua kit test của Công ty Việt Á nhưng số lượng và giá thế nào thì đang chờ tổng hợp báo cáo.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước cho biết, tỉnh từng mua sinh phẩm, vật tư y tế của Công ty Việt Á. Tuy nhiên số lượng, tổng trị giá đơn hàng CDC Bình Phước chưa thể cung cấp thông tin. Theo ông Sáu, CDC Bình Phước đang báo cáo Sở Y tế và sẽ thông tin cho báo chí sau.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận có mua kit test của Công ty Việt Á nhưng số lượng và giá thế nào thì đang chờ tổng hợp báo cáo. (Ảnh: Thụy Sĩ)Còn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận có mua một ít sản phẩm của Công ty Việt Á nhưng chưa làm thủ tục thanh toán. Theo CDC Ninh Thuận, vì gấp rút, không biết mua sinh phẩm ở đâu, thấy trên cổng thông tin của Bộ Y tế công nhận giá nên mượn, khi nào thanh toán thì thanh toán tại thời điểm đó. Còn số lượng bao nhiêu thì đang tổng hợp báo cáo.
Quảng Ngãi 3 lần mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á
Theo ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi, để phòng chống dịch Covid-19, đơn vị đã giải ngân 60 tỉ đồng mua các loại vật tư, sinh phẩm, thiết bị…, trong đó đã sử dụng hơn 5,1 tỉ đồng mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á. Cụ thể, trong 2 tháng 7 – 8.2021, CDC Quảng Ngãi mua 3 đợt kit, cao nhất là 509.000 đồng/bộ, còn lại là 470.000 đồng/bộ và 367.000 đồng/bộ.
Ông Nên khẳng định vào thời điểm đó dịch đang bùng phát trên địa bàn Quảng Ngãi, đơn vị quá cần thiết nên phải đi mua kit xét nghiệm dù thấy giá có cao. Ông Nên cũng khẳng định “việc mua bán rõ ràng, không hề có tiêu cực hay lại quả gì”.
Theo giải thích của ông Nên, trước khi quyết định mua kit của Công ty Việt Á, đơn vị đã tham khảo giá trúng thầu ở các tỉnh, thành và đối chiếu không vượt qua giá trần của Bộ Y tế.
Hơn nữa, trước đó vào đầu năm 2021, Công ty Việt Á có cho 1 cơ sở y tế ở tỉnh Quảng Ngãi mượn máy xét nghiệm PCR và tặng 1.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 nhanh.
Khi dùng hết số kit xét nghiệm này, CDC Quảng Ngãi đi mua kit khác nhưng lúc đó khó tìm đơn vị cung ứng, phải lên cổng thông tin của Bộ Y tế xem hướng dẫn để mua kit, sau đó mới liên hệ Công ty Việt Á và mua 3 đợt như nêu trên.
Sau 3 đợt đó, CDC Quảng Ngãi đã tham khảo các nguồn khác nhau, rồi được Viện Pasteur Nha Trang giới thiệu. Sau đó, đã mua kit với giá rẻ hơn: 300.000 đồng/bộ và khoảng 250.000 đồng/bộ.
Vì sao Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm với giá 470.000 đồng?
Tại văn bản số 5288 ngày 2/7 của Bộ Y tế do ông Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đầu tháng 11) ký ban hành gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan, Bộ Y tế cập nhật danh sách sinh phẩm, thiết bị phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp phép.
Trong số sản phẩm, thiết bị do Bộ Y tế liệt kê kèm theo văn bản trên, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện virus Corona do Công ty Việt Á sản xuất được Bộ Y tế xếp ở vị trí đầu tiên. Sản phẩm này được đơn vị cung ứng báo giá 470.000 đồng/kit, khả năng cung ứng 3 triệu kit mỗi tháng.
Bộ Y tế giải thích mức giá 470.000 đồng/kit dành cho đơn hàng dưới 500.000 test. Giá 367.500 đồng/bộ áp dụng cho đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1 triệu test. Nếu mua trên 1 triệu kit thì áp mức giá từ 220.500 đồng đến 315.000 đồng/test.
Qua văn bản trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm để phòng chống dịch và xem xét giảm giá bán sinh phẩm, trang thiết bị để hỗ trợ cho các đơn vị.
Đáng chú ý, trong danh sách do Bộ Y tế giới thiệu nhưng xếp từ vị trí thứ 2 trở đi là sản phẩm test của hàng loạt đơn vị khác được sản xuất trong nước. Mức giá sản phẩm được công bố từ 179.800 đồng/kit đến 385.000 đồng/bộ.
CDC Hải Dương đã ký với Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với tổng trị giá 151 tỷ đồng. Mỗi kit được bán với giá 470.000 đồng. Tuy nhiên, Bộ Công an xác định mức giá này đã được Việt Á nâng khống để thu lời bất chính và chi “lại quả” ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) gần 30 tỷ đồng. Cùng mức giá này, CDC Bắc Ninh cũng mua hơn 20.000 bộ test của Công ty Việt Á.
Còn CDC Nam Định mua 13.536 bộ test tương tự nhưng với giá cao hơn là 509.250 đồng/kit. Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết Công ty Việt Á từng chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối.
Tại Đà Nẵng, tháng 5/2021, CDC thành phố đề xuất mua 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit. Sau đó, Công ty Việt Á đưa ra đơn giá dự toán 509.250 đồng/test. Trên cơ sở văn bản số 5288 của Bộ Y tế và đề xuất của CDC Đà Nẵng, Sở Y tế phối hợp các cơ quan có liên quan trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mua 200.000 test với đơn giá 367.500 đồng/kit…
Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, sau khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đầu tháng 4/2020, Việt Á đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Để bán được hàng, ông Phan Quốc Việt lợi dụng việc sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, đã chủ động cung ứng thiết bị trước cho các bệnh viện, CDC nhiều địa phương sử dụng. Tiếp đó, bị can này thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế và đơn vị liên quan nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu.
Hồng Anh