+
Aa
-
like
comment

Hàng loạt cựu lãnh đạo BIDV hầu tòa

26/10/2020 10:27

Để phục vụ cho hoạt động công ty “sân sau của sếp và con sếp”, 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của hội sở và chi nhánh BIDV đã cho vay trái quy định, gây thất thoát trên 1.664 tỉ đồng.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng (trái) và Trần Lục Lang /// ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG
Bị cáo Đoàn Ánh Sáng (trái) và Trần Lục Lang

Theo dự kiến, sáng nay (26.10), TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (NH), hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại NH thương mại CP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

Trong vụ án này, có 8 bị cáo bị xét xử về tội “vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH”, gồm: Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng (cùng nguyên Phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp – BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành) và Đặng Thành Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành). 4 bị cáo còn lại bị xét xử tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, gồm: Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng); Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng (cùng nguyên là Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam).

HĐXX đã triệu tập đại diện BIDV với tư cách là bị hại, đồng thời cũng triệu tập 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 34 người làm chứng đến tham dự phiên tòa.

“Sân sau” của ông Trần Bắc Hà

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV hơn 1.664 tỉ đồng.

Trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà được coi là người phải chịu trách nhiệm chính đối với các sai phạm và thất thoát của BIDV, nhưng do ông Hà tử vong trong quá trình tạm giam vì bệnh lý nên đã được cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra. Đối với Trần Duy Tùng và một số người liên quan hiện đang bỏ trốn, cơ quan tố tụng đã ra quyết định truy nã, tách vụ án, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cáo trạng nêu Công ty Bình Hà có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, do một số cổ đông góp vốn, nhưng hầu hết là đứng tên hộ cho Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà. Ông Tùng cũng là người đứng ra điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động của Công ty Bình Hà. Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà đã ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án chăn nuôi bò tại các huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng giá trị cho vay hơn 3.100 tỉ đồng. Do Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng, nên quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định, hoặc nới lỏng điều kiện. Từ năm 2015 đến tháng 11.2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng. BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò… Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty Trung Dũng có tình hình tài chính khó khăn, không đáp ứng được các chính sách về tín dụng của BIDV. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo là cán bộ thuộc BIDV chi nhánh Hà Thành đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay, gây thiệt hại của BIDV gần 865 tỉ đồng.

Không cho vay thì bị… cách chức

Theo cáo trạng, trong quá trình cấp vốn cho các công ty Bình Hà và Trung Dũng, nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo BIDV tại hội sở và chi nhánh biết rõ về các doanh nghiệp “sân sau” của ông Trần Bắc Hà; việc cấp tín dụng là sai phạm, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi sức ép của ông Trần Bắc Hà. Bị cáo Trần Lục Lang khai từng thấy Công ty Bình Hà không đủ điều kiện về năng lực tài chính cũng như phương án chăn nuôi bò không có tính khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi đề xuất, ông Lang đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản đảm bảo, nhưng không được ông Trần Bắc Hà đồng ý. Bởi vậy, ông Lang đành phải ký các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Tương tự, bị cáo Đoàn Ánh Sáng khai cũng nhận biết rõ việc ký phê duyệt các quyết định là trái quy định của BIDV, nhưng do ông Trần Bắc Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết, nên buộc phải ký.

Đáng chú ý, bị cáo Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, khai trong quá trình giải ngân đã phát hiện một số vướng mắc của Công ty Bình Hà, như không đáp ứng điều kiện theo ủy nhiệm và từng từ chối giải ngân. Tuy nhiên, Công ty Bình Hà đã có đơn phản ánh trực tiếp đến Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà. Ông Hà khi đó đã yêu cầu cách chức Giám đốc chi nhánh BIDV Hà Tĩnh. Do sức ép nên chi nhánh BIDV Hà Tĩnh sau đó đã có đề xuất đến hội sở sửa đổi một số điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có… theo đề nghị của Công ty Bình Hà.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều