Hàng loạt cán bộ “vào lò”, coi chừng nghe “chỉ đạo miệng“?
Chừng nào cấp dưới vẫn phải phục tùng cấp trên vô điều kiện thì chừng ấy, sẽ còn những quan chức lấm lem, còn những thuộc cấp đau xót.
Phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng liên quan đến việc bán nhà đất công cho Phan Văn Anh Vũ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không ít bị cáo đã sốc, hoảng loạn khi nghe đề nghị mức án. Và cũng không ít người cay đắng giữa công đường khi phải thốt lên, họ buộc phải chấp hành “chỉ đạo miệng”, chấp hành bút phê của cấp trên. Nếu không chấp hành coi như không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí bị kỷ luật.
“Chỉ đạo miệng” là gì mà ghê gớm vậy? Nó chỉ xuất hiện ở vụ án này hay trở thành một hiện tượng phổ biến qua các vụ đại án về tham ô, tham nhũng bị xét xử trong thời gian qua. Cấp dưới phục tùng cấp trên bất kể cấp trên đúng hay sai, không dám có chính kiến. Ngay kể cả biết chắc “làm như vậy là sai” nhưng họ cũng “cắn răng” làm vì nể cấp trên, vì những ân huệ mà cấp trên đã ban phát.
Trong vụ án PVN mất trắng 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ocean bank dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch, bị cáo Phan Thị Hòa từng là thuộc cấp của ông Thăng với chức vụ ủy viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát nội bộ cũng đã nghẹn ngào giữa công đường.
Bà Hòa cho rằng, dù là thành viên HĐQT thời kỳ đó nhưng không được bàn bạc, xin ý kiến về chủ trương góp vốn. Tuy nhiên, khi mọi chuyện có nguy cơ vỡ lở, ông Thăng đã gọi điện nhờ bà Hòa và những cựu thành viên khác ký khống vào giấy xác nhận đã đồng ý chủ trương góp vốn. Ông Thăng lúc này đã giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bà Hòa biết mười mươi làm như vậy là sai nhưng “nể” sếp cũ, vẫn đồng ý ký.
Trong vụ án gần đây nhất, Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, các thuộc cấp của ông Lê Nam Trà cũng khai rằng, dưới thời ông Trà đứng đầu Mobifone, rất nhiều cán bộ biết sai nhưng vẫn phải im lặng và phải làm theo chỉ đạo của cấp trên. Cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên cho biết, năm 2015, ông Lê Nam Trà là Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, nắm quyền lực tuyệt đối ở Mobifone, ít ai dám chống lại.
Điểm qua những vụ đại án trên có thể thấy, quyền lực của cấp trên là tuyệt đối. Một tay có thể che lấp cả bầu trời. Tổ chức Đảng bị vô hiệu hóa. Cấp dưới nếu không ăn cánh, không phục tùng cấp trên thì có thể bị đưa ra khỏi guồng máy.
Ngay tại phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, đại diện VKS nhận định: Qua vụ án này và các vụ án đã xét xử liên quan đến Phan Văn Anh Vũ có thể thấy, đang tồn tại lỗ hổng trong việc thanh kiểm tra, giám sát quyền lực, quyền lực càng cao càng phải được giám sát chặt chẽ.
Các mối quan hệ thân quen, chiến hữu giữa người có tiền với người có quyền đã “đưa đẩy” các quyết định sai trái khiến cho cấp dưới, vì sợ cấp trên mà phải chấp hành. Chỉ bằng những “chỉ đạo miệng”, bằng bút phê, nhiều lãnh đạo đã biến thuộc cấp thành “cánh tay nối dài”. Cũng bởi vậy, nhiều cán bộ khi đứng trước tòa đã nói rằng, họ chẳng có lựa chọn nào khác bởi “trên nói dưới phải nghe, trên đe dưới phải sợ”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận định, những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. “Bệnh” này xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức Đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa.
Hơn 70 năm trước, trong tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những người này là “những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”.
Đã có những cán bộ vì không chấp hành “chỉ đạo miệng” bị đưa ra khỏi bộ máy. Có người tự nguyện xin nghỉ hưu sớm, có người xin chuyển công tác, thậm chí “rũ áo từ quan” để sống một cuộc đời liêm chính.
Chừng nào quyền lực không được kiểm soát, chừng nào cơ chế xin-cho còn tồn tại, chừng nào cấp dưới vẫn phải phục tùng cấp trên vô điều kiện thì chừng ấy, sẽ còn những quan chức lấm lem, còn những thuộc cấp đau xót, còn những Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ…
Một nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Bộ máy lãnh đạo các cấp đang được quy hoạch. Bài học nhỡn tiền về lạm dụng quyền lực vẫn còn đó…
Quốc Phong/VOV