+
Aa
-
like
comment

Hàng không giá rẻ nhưng “cái giá” phải trả không hề rẻ

Phạm Khoa - 02/07/2022 16:02

Hàng loạt các chuyến bay giá rẻ bị delay trên 4 tiếng, thậm chí dời hẳn sang ngày kế tiếp, đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, hay kế hoạch du lịch của hàng ngàn người.

Hành khách vật vã vì bị hoãn chuyến bay.

Mấy năm trước, khi tôi có một vài dự án công việc ở Hội An, đòi hỏi phải đi đi về về liên tục giữa Sài Gòn- Đà Nẵng, tôi đã từng chọn một hãng hàng không giá rẻ. Thời kỳ đầu của hàng không giá rẻ, mọi thứ khá mới mẻ và hấp dẫn, vì khách hàng bay thường xuyên như tôi sẽ tiết kiệm được kha khá tiền. Vì vậy, có những người, thậm chí đặt trước vé của hãng giá rẻ cho cả tháng, nếu công việc có thời gian biểu sẵn. Nhưng sau một thời gian bay giá rẻ, tôi nhận ra đúng là tiền nào của nấy.

Điều khó chịu nhất: Các chuyến bay giá rẻ hay khởi hành chậm.

Cứ 10 chuyến sẽ có khoảng 3- 4 chuyến gặp tình trạng delay. Có đợt, tôi đi 6 chuyến trong nửa tháng thì cả 6 chuyến đều khởi hành trễ 20- 40 phút. Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia hàng không chỉ ra rằng, tình trạng máy bay về muộn diễn ra nhiều ở các hãng bay giá rẻ, vì các máy bay luôn đặt trong tình trạng khai thác 100% công suất nên chỉ một chiếc về muộn sẽ kéo theo hàng loạt các chuyến bay khác bị delay.

Điều khó chịu thứ 2: Một không khí không hề dễ chịu khi đang bay

Điều này sẽ thường được cho qua nếu hành khách dễ tính và đường bay ngắn. Nhưng với người quen với sự riêng tư và yên tĩnh, đó quả là một trải nghiệm thật sự khó chịu. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo lắng khi người ngồi ghế bên mân mê cái áo phao lấy được một cách bí ẩn và hỏi tôi: “Mình giật cái dây này hả?”, dù trước đó đã nghe các tiếp viên hướng dẫn an toàn bay. Có hôm, tôi còn không thể khuyên một đứa trẻ 4-5 tuổi về chỗ ngồi, vì nó khăng khăng thích chỗ của tôi. Trong khi, tiếp viên của hãng hàng không giá rẻ không hề có biện pháp can thiệp mạnh mẽ nào.

Khách ùn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất do bị hoãn chuyến.

Không phải là khách hàng mua vé rẻ thì cư xử tệ, nhưng đâu đó, vì thời gian đầu vé máy bay quá dễ mua, nên có những hành khách lần đầu lên máy bay và mặc định đó là chuyến xe đò trên không chăng? Họ đã cư xử hồn nhiên hết mực. Ấy là chưa nói đến tiếp viên. Nếu làm một cuộc so sánh, tôi vẫn cho rằng tiếp viên của hãng hàng không giá rẻ tương tác với khách hàng khi có sự cố rất kém. Đặc biệt khi hoãn chuyến kéo dài hay hủy chuyến, nhìn nhân viên của hãng, không thể không cáu

Điều khó chịu thứ 3: Hàng không giá rẻ nhưng vé không hề rẻ!

Đọc đến đây, sẽ có người phản đối, vì thời gian đầu, chênh lệch giá vé giữa hãng bay giá rẻ và các hãng khác khá rõ. Điều đó đúng, nhưng chỉ trước kia thôi. Ở thời điểm viết bài này, mọi thứ đã đổi thay nhiều. Làm một phép tính, nếu chọn đường bay Sài Gòn- Đà Nẵng, giờ bay là 15h05, thứ năm, giá vé 1 chiều/người sau khi tính cả thuế + phí của hãng hàng không quốc gia gần 1,8 triệu đồng gồm 10kg xách tay và 23kg hành lý ký gửi miễn phí.

Bảng so sánh giá vé các hãng hàng không, chuyến TP.HCM (SGN) – Hà Nội (HAN).

Cùng thời điểm đó, giờ bay trễ hơn một chút, khoảng 15h30, vé của hãng giá rẻ là 1,2 triệu đồng gồm 7kg hành lý xách tay miễn phí và hành lý ký gửi sẽ phải mua gói cước, thấp nhất là 180 ngàn, cao nhất 500 ngàn, quá tải sẽ tính 40 ngàn đồng/ kg. Nếu hành khách đi du lịch cùng gia đình, hay đi công tác dài ngày, cộng toàn bộ các khoản vé và hành lý thì chưa chắc hãng hàng không giá rẻ đã rẻ.

Sự lựa chọn của tôi và quyền lợi của người bay

Tôi giờ chọn bay Vietnam Airlines (VNA). Có lẽ việc chọn lựa này liên quan đến cảm giác “được yên thân” nhiều hơn là các lý do khác. Với tôi lúc này, tiết kiệm vài trăm ngàn hay một triệu cho một tấm vé khứ hồi không quan trọng bằng việc được ký gửi hơn 20kg hành lý miễn phí và cảm giác ít gặp chuyện rủi ro không mong muốn. Dù tình trạng trễ chuyến hay hủy chuyến của VNA vẫn có, nhưng cảm giác vẫn ít ấm ức hơn hãng hàng không giá rẻ. Thêm vào đó, thái độ của tiếp viên VNA cho tôi cảm giác có chừng mực hơn, không tương tác kiểu non non, xanh xanh, đôi khi “mập mờ” khá kỳ lạ.

Theo số liệu mà Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố trong quý 1/ 2022, hãng hàng không giá rer đứng thứ 2 về tỉ lệ máy bay về muộn, với 9,9% (6790 chuyến). Nghĩa là 10 chuyến thì có 1 chuyến muộn. Khách hàng phàn nàn suốt, tháng 6 đầu hè càng phàn nàn nhiều hơn, nhưng sự cải thiện chất lượng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ hình như không đáng kể. Cho nên, đôi khi đọc và xem clip bóc phốt nhiều quá, tôi bỗng dưng bực, mà nghĩ rằng, nên chăng ở các sân bay, Bộ giao thông vận tải hay Cục hàng không Việt Nam làm một cái poster thật lớn, ghi rõ các quy định bồi thường khi hãng bay trễ chuyến hay hủy chuyến để người dân biết rõ quyền lợi của mình. Để không còn cảnh vật vã ở sân bay 4-5 tiếng, mệt lả mà không được lấy một chai nước suối, còn tiền bồi thường thì chờ dài cổ 10- 15 ngày mới được hoàn trả vào tài khoản.

Điều đáng nói, khi mua một tấm vé máy bay đã ấn định thời gian mà việc hãng hàng không giá rẻ liên tục hoãn chuyến bay thì chẳng khác nào là đang lừa đảo khách hàng. Đừng bao giờ lấy lý do “hãng hàng không giá rẻ” nên được quyền như vậy bởi. Bởi cụm từ “hàng không giá rẻ” là ưu thế cạnh tranh của hãng này so với hãng khác chứ không phải là lý do để bao biện có chất lượng phục vụ kém hay khuyết điểm của mình.

Bỏ tiền ra, dù rẻ hay đắt, cũng cần được phục vụ tươm tất. Còn nếu xác định buộc khách chấp nhận mình thì cứ ghi ngay trên vé câu: “Mua vé máy bay giá rẻ: Rủi ro, xin đừng có than!”

Thụy Khê

Bài mới
Đọc nhiều