Hàng cung ứng tăng 2-5 lần, nguồn cung thực phẩm ở TP.HCM dồi dào
Kênh phân phối của TP với 110 chợ hoạt động cùng 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 28.700 điểm bán vẫn đang phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Hàng hóa cung ứng cho thị trường TP.HCM không thiếu, nhưng một số khâu phân phối đang gặp trục trặc, chậm lên hàng trên kệ. Các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trên tất cả các kênh từ online đến offline.
Bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp phân phối kịp thời tăng lượng hàng, tăng thời gian mở cửa bán hàng, tăng hình thức bán hàng…, TP.HCM dự kiến triển khai đến các quận, huyện, TP Thủ Đức việc điều chỉnh phương thức tổ chức kinh doanh, mua bán nhằm bảo đảm lượng cung ứng lẫn điều kiện an toàn giãn cách.
Sản lượng hàng cung ứng tăng 2 – 5 lần
Tại cuộc họp thông tin về phương án cung ứng hàng cho TP.HCM chiều 7-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định việc ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức tạm dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán.
Kênh phân phối của TP với 110 chợ hoạt động cùng 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 28.700 điểm bán vẫn đang phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Những điểm bán này đang được tăng khả năng cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố cũng đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế trên địa bàn chỉ khoảng 5.000 – 6.000 tấn/ngày.
“Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp chủ yếu rơi vào nhóm hàng tươi sống, theo thời điểm trong ngày, nhóm hàng khô vẫn rất dồi dào”, ông Vũ cho biết. Tuy vậy, đại diện Sở Công thương cũng thừa nhận một số chợ truyền thống có tăng giá 10 – 15% trong những ngày qua.
Ông Lâm Quốc Thanh, tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết hệ thống này đang tiêu thụ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, tăng gấp 3 lần so với trước đó. Để khắc phục nguồn cung trong khi chợ đầu mối Bình Điền tạm đóng cửa, các nhà cung cấp rau củ quả, thủy hải sản chuyển sang giao hàng trực tiếp về các điểm chế biến rau củ quả Phan Văn Trị và Thống Nhất (Q.Gò Vấp) trước khi phân phối đến các điểm trong hệ thống bán lẻ Satra.
“Hai ngày gần đây, sức mua tăng đến gấp 5 lần, Satra đang tăng cường nhân viên đến các cửa hàng để kịp thời cung cấp hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đang tổ chức 25 kho lưu động tại TP.HCM để tăng trữ lượng hàng hóa và tăng tính kịp thời của việc cung ứng hàng hóa. “Với việc nâng tần suất cung ứng hàng lên 2 – 3 lần/ngày, người dân yên tâm luôn có hàng mới được bổ sung lên quầy kệ”, ông Đức nói.
Theo ông Đinh Quang Khôi – đại diện hệ thống MM Mega Market, hệ thống này đã tăng sản lượng lên 2 – 3 lần, lượng hàng dự trữ lên đến 60 ngày đối với các sản phẩm thiết yếu, một số mặt hàng lên đến 90 ngày, do lượng khách đến siêu thị tăng đột biến.
Việc quầy kệ bị trống chỉ mang tính chất nhất thời và sớm được lấp đầy. Siêu thị cũng đã chủ động nâng sản lượng nhập hàng lên 2 – 3 lần, từ 30.000 tấn lên 60.000 tấn, một số lên 90.000 tấn, từ ba nguồn hàng ở Đà Lạt, Đồng Nai, Cần Thơ.
Tăng bán hàng online
Các nhà bán lẻ khẳng định sẵn sàng tăng giờ mở cửa lên từ 6 – 21h chuyển thành 6 – 23h, thậm chí mở cửa 24/24 nếu được cơ quan quản lý tạo điều kiện về nhân lực. Theo đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh, hệ thống này chỉ có 9/550 cửa hàng tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động do COVID-19 nhưng nguồn cung đã được tăng cường so với bình thường, trong đó tập trung nhiều sản phẩm tươi sống.
“Chúng tôi mạnh tay với quy định giãn cách. Tùy vào không gian mỗi cửa hàng mà sẽ cho lượng khách vào phù hợp, hạn chế tập trung đông đúc. Bên cạnh đó sẽ có thêm các chuyến hàng lưu động để kéo giãn khách hàng”, vị này cho biết.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, MM Mega Market giới hạn lượng khách hàng vào mua sắm cùng thời điểm. Người dân được bố trí chờ đợi ở bãi giữ xe với khoảng cách 2m. Ông Đinh Quang Khôi cho biết trong sáng 7-7, chỉ riêng ở siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) đã đóng – mở cửa siêu thị 15 lần, không nhận thêm khách hàng khi khách đông lên.
Đơn vị này áp dụng biện pháp phát số thứ tự cho khách vào mua hàng tại các điểm bán ở TP.HCM. “Khi phát số thứ tự đến số lượng nhất định sẽ ngăn không cho khách vào bên trong và sẽ mở đón khách tiếp theo nếu có khách ra”, ông Khôi cho biết.
Ngoài nguồn hàng, các nhà bán lẻ cũng đang tích cực xử lý những trục trặc trong đơn hàng online. Ông Nguyễn Anh Đức thừa nhận do thiếu hụt về nền tảng kỹ thuật và quá trình chuẩn bị quá ngắn dẫn đến tình trạng các đơn hàng online bị ùn ứ, không xử lý nhanh như kỳ vọng của khách. “Chúng tôi sẽ tổ chức, điều tiết lại để nguồn hàng cung cấp đến tay người tiêu dùng cuối cùng được thông suốt trở lại”, ông nói.
Hầu như tất cả các app công nghệ đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op cũng bổ sung khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà.
Các nhà bán lẻ cũng chủ động tìm thêm nhiều nhà cung cấp mới, khu vực gần TP.HCM để tiện giao nhận; tìm các mặt hàng thay thế như tăng cường cá, thịt đông lạnh nhập khẩu, hiện lượng hàng này được đơn vị dự trữ nhiều; thuê thêm xe vận chuyển hàng, chuyển hàng đi thẳng từ nhà cung cấp đến siêu thị mà không cần thông qua kho để nhanh chóng đưa hàng lên kệ.
Trong bối cảnh ba chợ đầu mối phải đóng cửa, các nhà bán lẻ cho biết sẵn sàng kết nối với tiểu thương chợ đầu mối để hỗ trợ thu mua hàng hóa. Với tiểu thương chợ lẻ, các siêu thị có thể chia sẻ nguồn hàng, cung cấp hàng hóa để kinh doanh.
Bộ Công thương: nguồn hàng không thiếu, giá ổn định!
Trao đổi với PV, một đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay theo báo cáo nhanh của Sở Công thương TP.HCM và 7 tỉnh phía Nam, nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng tại các địa phương này vẫn đảm bảo, không thiếu hàng vì đã có kịch bản dự trữ từ sớm.
Trả lời về hiện tượng nhiều người dân tại TP.HCM đổ xô đi mua hàng, vị này cho biết bộ đã chỉ đạo Sở Công thương TP khuyến cáo người dân mua đủ lượng cần dùng, không cần phải tích trữ. Các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đang hoạt động, các điểm bán hàng lưu động… phải tăng thời gian phục vụ và đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng online.
“Chúng tôi có chỉ đạo các địa phương kích hoạt phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu lên mức độ cao hơn trong 5 kịch bản đã chuẩn bị trước đây” – vị này nhấn mạnh, đồng thời cho biết trừ mặt hàng rau củ quả, hầu hết các mặt hàng đều ổn định giá cả.
N.AN
* Ông Phan Văn Dũng (phó tổng giám đốc Công ty Vissan):
Sản lượng hàng hóa tăng 2 lần ngày thường
Chúng tôi đã tăng lượng giết mổ lên mức 1.200 – 1.300 con/ngày, gấp đôi bình thường. Trường hợp thị trường cần tăng nguồn cung, đơn vị có thể tăng thêm lượng giết mổ và thực tế doanh nghiệp đã tăng thêm lượng giết mổ heo, bò để dự trữ cho những ngày qua.
Với các sản phẩm chế biến, do chủ động sản xuất từ trước nên doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh lượng hàng trên các quầy kệ so với bình thường. Việc hết hàng trên quầy kệ là do sức mua tăng cao vào thời điểm nhất định, nhân viên chưa kịp bổ sung hàng, còn cơ bản không thiếu hàng.
* Ông Trương Chí Thiện (giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt):
Kệ trống do nhân viên chưa đưa lên kịp
Chúng tôi đã tạm dừng cung cấp trứng cho mảng chế biến, nhằm dồn nguồn lực và nguồn cung trứng tươi phục vụ thị trường bán lẻ để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó chủ yếu là cung cấp cho kênh siêu thị, cửa hàng với lượng trứng tăng gấp 3 – 4 lần so với bình thường.
Những thời điểm thiếu hụt là do hàng chưa kịp phân phối đến điểm bán lẻ, chưa đưa lên kệ, còn cơ bản nguồn cung trứng vẫn khá dồi dào nhờ đơn vị liên kết với lượng lớn các nhà cung cấp, đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phải đảm bảo hàng hóa luân chuyển thông suốt
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khó khăn lớn nhất của các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa, là nhiều địa phương đã lập các chốt ở cửa ngõ ra vào, đồng thời có những quy định liên quan đến yêu cầu xét nghiệm với tài xế. TP.HCM chưa có chốt kiểm tra ra vào cửa ngõ, nhưng 4 tỉnh xung quanh đều đã có chốt kiểm soát.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có ý kiến về vấn đề này vì quy định giấy xét nghiệm đã ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển hàng chiều đi lẫn lúc quay về. Theo các hệ thống siêu thị, một số địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp xét nghiệm PCR nếu muốn vào địa bàn, thay vì chỉ cần xét nghiệm nhanh như trước kia.
Trong khi đó, phương pháp PCR này ngoài tốn 780.000 đồng/lần, thời gian chờ kết quả lâu hơn, nhiều điểm xét nghiệm quá tải nên ảnh hưởng đến việc giao hàng của nhà cung cấp, đặc biệt khu vực miền Tây Nam Bộ cung cấp phần lớn rau củ, thủy hải sản cho TP.HCM.
Như Bình