Hàng chục người xuống đường biểu tình “Thủy triều trắng”
Khoảng 30.000 người biểu tình đã “phủ kín” đại lộ chính chạy qua bảo tàng El Prado như một phần của sự kiện mà họ gọi là “Marea Blanca” – có nghĩa là “Cuộc biểu tình Thủy triều trắng”.
Ngày 15/1, hàng chục nghìn nhân viên y tế đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Madrid của Tây Ban Nha nhằm yêu cầu chính quyền địa phương cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo người phát ngôn của chính quyền Madrid, khoảng 30.000 người đã “phủ kín” đại lộ chính chạy qua bảo tàng El Prado như một phần của sự kiện mà họ gọi là “Marea Blanca” – có nghĩa là “Cuộc biểu tình Thủy triều trắng.”
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh các dịch vụ chăm sóc cơ bản tại Madrid phải chịu áp lực rất lớn trong nhiều năm qua do thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự.
Trong tuần qua, Hiệp hội nhân viên dịch vụ khẩn cấp SEMES cho biết khoa cấp cứu tại các bệnh viện ở Madrid đã chứng kiến số bệnh nhân tăng từ “10% đến 20%.” Theo giới chức y tế ở thủ đô Tây Ban Nha, khoảng 300 người đang phải chờ tại các hành lang.
Tại cuộc tuần hành, hàng chục người đã giương cao biểu ngữ lớn có nội dung: “Không cắt giảm nhân sự và tư nhân hóa lĩnh vực y tế. Hãy cải thiện dịch vụ y tế và cộng đồng.”
Trong khi đó, nhiều người cũng yêu cầu lãnh đạo cánh hữu của khu vực này – bà Isabel Diaz Ayuso từ chức, do không đồng tình với chính sách của bà trong lĩnh vực y tế trong thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.
Không chỉ tại thủ đô Madrid, các cuộc biểu tình và đình công của các nhân viên y tế cũng đã được lên kế hoạch tiến hành ở ít nhất 8 trong số 17 khu vực hành chính của Tây Ban Nha.
Không chỉ Tây Ban Nha, cuối tuần qua tại Bồ Đào Nha và Anh cũng đã nổ ra một làn sóng biểu tình của người lao động. Các cuộc biểu tình nhằm gây sức ép lên chính phủ các nước để cải thiện điều kiện lao động, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, hàng chục nghìn giáo viên và các nhân viên trường học đã đổ ra đường để đòi tăng lương trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đây là một trong một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong những năm gần đây. Các giáo viên trên khắp đất nước đã đình công từ đầu tháng 12, khiến nhiều học sinh không có lớp học. Giới chức Bồ Đào Nha cho biết, có thể phải buộc một số giáo viên quay lại làm việc bằng cách ra sắc lệnh về các dịch vụ tối thiểu.
Tại Anh, Đại học Điều dưỡng Hoàng gia (RCN), hiệp hội y tá lớn nhất của nước này, cho biết sẽ tổ chức một đợt đình công mới vào tháng 2/2023 nếu không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán với chính phủ về tranh chấp tiền lương. Tranh chấp về tiền lương đã gia tăng trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở nước này.
Bảo Trâm