Hàng chục nghìn người xuống đường, biểu tình trên khắp nước Mỹ
Hàng chục nghìn người biểu tình đổ về Washington và nhiều địa điểm khác trên khắp nước Mỹ vào ngày 11/6 để phản đối nạn bạo lực súng đạn sau nhiều vụ xả súng chấn động.
Tổ chức March for Our Lives (MFOL) ước tính 40.000 người đã tập trung tại công viên quốc gia gần Tượng đài Washington vào ngày 11/6, để yêu cầu các nhà lập pháp thông qua đạo luật hạn chế súng đạn. Tổ chức này được thành lập bởi những học sinh sống sót sau vụ thảm sát năm 2018 tại một trường trung học ở Parkland, Florida.
Những người biểu tình mặc áo của MFOL tập trung tại công viên quốc gia ở Washington, mang theo tấm biển với dòng chữ “hãy bảo vệ trẻ em, thay vì súng”.
Bà Courtney Haggerty, một thủ thư 41 tuổi, từ Lawrenceville, New Jersey, đã đến Washington cùng con gái Cate, 10 tuổi và con trai Graeme, 7 tuổi, để tham gia cuộc biểu tình. Bà Haggerty cho biết vào tháng 12/2012, vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, cướp đi sinh mạng của 26 người, chủ yếu là học sinh 6-7 tuổi, xảy ra chỉ một ngày sau sinh nhật đầu tiên của con gái bà.
X Gonzalez, người sống sót sau vụ xả súng ở Marjory Stoneman Douglas vào năm 2018 và đồng sáng lập tổ chức MFOL, phát biểu tại cuộc biểu tình vào ngày 11/6: “Chúng tôi đang bị sát hại. Nhưng Quốc hội đã không làm gì để ngăn chặn (điều đó)”.
Một người biểu tình cầm biểu ngữ với dòng chữ “Tôi muốn sống ở một đất nước trân trọng người dân họ hơn súng đạn”. Bà Kay Klein, 65 tuổi, một giáo viên về hưu đến từ Fairfax, Virginia, tham gia cuộc biểu tình ở Washington, nói rằng người Mỹ nên bỏ phiếu loại các chính trị gia từ chối hạn chế súng đạn trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. “Nếu thực sự quan tâm đến trẻ em và gia đình, chúng ta cần bỏ phiếu bất tín nhiệm”, bà nói.
Jaclyn Corin, trưởng ban tổ chức của MFOL và là người sống sót sau vụ xả súng năm 2018 tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas, đứng bên cạnh lắng nghe Yolanda King, cháu gái của Martin Luther King Jr., phát biểu trong cuộc biểu tình tại Washington, hôm 11/6.
David Hogg, người sống sót sau vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas năm 2018 ở Parkland, Florida, và là người sáng lập phong trào MFOL, bày tỏ sự cảm thông với gia đình nạn nhân trong vụ xả súng ở Parkland.
Những người biểu tình ở gần Đài tưởng niệm Washington. Hai học sinh trung học từ vùng ngoại ô Washington Zena Phillip, 16 tuổi và Blain Sirak, 15 tuổi, cho biết họ chưa bao giờ tham gia biểu tình trước đây nhưng cảm thấy có động lực sau vụ xả súng ở Texas. “Chỉ cần biết rằng có khả năng (một vụ xả súng) có thể xảy ra trong chính trường học của mình khiến tôi kinh hoàng”, Phillip nói. “Rất nhiều đứa trẻ đã chết lặng vì điều này đến mức tuyệt vọng”.
Sirak cũng cho biết cô ủng hộ nhiều hạn chế súng hơn và vấn đề này còn vượt ra ngoài các vụ xả súng hàng loạt, khi số lượng bạo lực súng hàng ngày đang gia tăng. “Ai cũng có thể mua súng quân sự ở Mỹ. Điều đó hoàn toàn vô lý”, cô nói.
Một người ủng hộ súng thể hiện thái độ trong cuộc biểu tình ở Washington, vào ngày 11/6. Chuỗi hoạt động biểu tình phản đối bạo lực súng được tổ chức sau khi hàng loạt vụ xả súng xảy ra trên khắp nước Mỹ. Trong đó, một tay súng đã giết chết 19 trẻ em và 2 giáo viên tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas,vào ngày 24/5, 10 ngày sau khi một tay súng khác sát hại 10 người trong một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York.
Các vụ xả súng đã thúc đẩy các cuộc tranh luận về bạo lực súng đạn tại Mỹ. Tuy nhiên, hy vọng về một đạo luật kiểm soát súng cấp liên bang vẫn rất mong manh, do sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với bất kỳ hạn chế vũ khí nào. Trong ảnh, một người ủng hộ sở hữu súng đang đáp trả những người biểu tình.
Những người biểu tình cố gắng che biểu ngữ của một người ủng hộ súng. Trong những tuần gần đây, một nhóm chính trị gia lưỡng đảng ở Thượng viện Mỹ đã tuyên bố sẽ đạt được một thỏa thuận về vấn đề này. Nhưng nỗ lực của họ tập trung vào những thay đổi tương đối khiêm tốn, chẳng hạn khuyến khích các bang thông qua luật “cờ đỏ”, cho phép chính quyền thu giữ súng của những cá nhân bị coi là nguy hiểm.
Bảo Trâm (Theo Washington Post)