Hàng chục gián điệp CIA của Mỹ ở nước ngoài bị bắt giữ, hành quyết
Hàng chục gián điệp CIA của Mỹ ở nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị hành quyết, cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã thừa nhận điều này. Một số người còn bị tình báo sở tại lợi dụng để hoạt động hai mang.
Trong cảnh báo của cơ quan chống phản gián Mỹ, hoạt động chiêu mộ gián điệp của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tại nhiều quốc gia bị vô hiệu hóa. Cảnh báo được gửi đi thông qua bức điện mật bất thường. Nó cho biết đơn vị phản gián của CIA đang theo sát hàng chục vụ việc liên quan tới nhân sự ở nước ngoài bị bắt giữ, sát hại, hoặc làm gián điệp hai mang, theo New York Times.
Điện mật từ CIA
Điện mật được bộ phận phản gián CIA gửi đi vào tuần trước. Tài liệu này thống kê vắn tắt số lượng gián điệp chiêu mộ ở nước ngoài bị cơ quan tình báo đối thủ hành quyết. Đây là loại thông tin hiếm khi được chia sẻ trong những bức điện.
Cơ quan phản gián của CIA nhấn mạnh rủi ro ngày càng gia tăng khi chiêu mộ gián điệp ở nước ngoài. Những năm gần đây, tình báo các nước như Nga, Trung Quốc, Iran, hay thậm chí Pakistan ngày càng ráo riết săn lùng nguồn tin của Mỹ. Trong một số trường hợp, các mục tiêu này bị biến thành gián điệp hai mang.
Theo bức điện, một số vấn đề làm xói mòn hiệu quả hoạt động của CIA khiến cơ quan phản gián ngày càng lo ngại những năm gần đây, bao gồm kỹ năng nghiệp vụ kém, quá tin tưởng vào các nguồn tin, đánh giá thấp tình báo đối phương, hay chiêu mộ gián điệp mới quá hấp tấp mà không đánh giá hết nguy cơ phản gián.
Việc ngày càng nhiều nguồn tin của tình báo Mỹ bị vô hiệu hóa cũng cho thấy các cơ quan tình báo đối thủ đã củng cố năng lực phản gián, ứng dụng khoa học công nghệ như kiểm tra sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo. Tất cả điều này nhằm theo dõi lịch trình di chuyển của đặc vụ CIA, qua đó phát hiện các nguồn cung cấp tin của Mỹ.
CIA có nhiều cách để thu thập thông tin tình báo phục vụ phân tích chiến lược. Nhưng trung tâm của hoạt động thu thập thông tin vẫn là mạng lưới gián điệp trên thế giới của CIA, vốn được coi là hiệu quả nhất thế giới trong thu thập và phân tích thông tin.
Các cựu quan chức tình báo cho biết chiêu mộ nguồn tin mới là cách các đặc vụ tuyến đầu của CIA thăng tiến. Những sĩ quan CIA dạng này không leo cao nhờ điều hành các chiến dịch phản gián, ví dụ như xác định nguồn tin mới chiêu mộ có đang làm việc cho một nước khác hay không.
20 năm qua, CIA dành phần lớn nguồn lực để đối phó đe dọa khủng bố và phục vụ các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq hay Syria.
Nhưng lúc này, ưu tiên hàng đầu đã thay đổi, trở thành tăng cường thu thập tin tình báo về các cường quốc đối thủ, trong bối cảnh giới chức Mỹ muốn có nhiều thông tin giá trị hơn về Trung Quốc và Nga.
Hiện tượng gián điệp mà CIA chiêu mộ ở nước ngoài bị vô hiệu hóa, phản bội không phải vấn đề mới. Nhưng theo nội dung được đề cập trong bức điện mật của cơ quan phản gián, tình hình đang khẩn cấp hơn nhiều so với những gì công chúng được biết.
Vấn đề trong quá trình tuyển mộ
Cảnh báo được bộ phận phản gián gửi chủ yếu tới các đặc vụ CIA tuyến đầu – những người tham gia trực tiếp nhất vào quy trình chiêu mộ, điều tra các nguồn tin.
Đặc vụ chiến trường của CIA được yêu cầu không chỉ chiêu mộ gián điệp, mà còn cần điều tra các vấn đề an ninh liên quan tới nguồn tin, tránh nguy cơ bị tình báo đối thủ nắm thóp.
Một số cựu quan chức tình báo nói rằng CIA cần tập trung nhiều hơn vào công tác an ninh và phản gián, cả ở cấp đặc vụ chiến trường cũng như lãnh đạo cấp cao.
“Cuối cùng, không ai phải chịu trách nhiệm khi chuyện xấu xảy ra với một gián điệp. Đôi khi có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng nhiều khi vấn đề là sự cẩu thả, lơ là, những quan chức cấp cao không bao giờ phải chịu trách nhiệm”, Douglas London, cựu đặc vụ CIA, nói.
Những bức điện cảnh báo về vấn đề phản gián không phải là chưa từng có trong nội bộ CIA. Nhưng việc liệt kê thông tin cụ thể về số lượng gián điệp bị bắt giữ, hành quyết bởi tình báo nước ngoài là một mức độ chi tiết hiếm có. Điều đó cũng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề hiện nay.
Các cựu quan chức cho biết giới chức chống phản gián thường giữ bí mật những chi tiết như vậy, kể cả với nhân sự của CIA.
Sheetal T. Patel là trợ lý giám đốc CIA phụ trách bộ phận phản gián. Bà Patel không hề ngại ngần gửi đi những cảnh báo rộng rãi cho giới chức CIA, cả đương nhiệm cũng như về hưu.
Hồi tháng 1, bà Patel gửi một bức thư tới các cựu quan chức CIA, cảnh báo họ không làm việc cho các chính phủ nước ngoài, trong bối cảnh một số nước đẩy mạnh tuyển dụng các cựu quan chức tình báo Mỹ.
Bức điện được bộ phận phản gián CIA gửi đi tuần trước cho thấy cơ quan này đã có nhiều năm đánh giá thấp các đối thủ, với niềm tin sai lầm rằng CIA có nhân sự và nghiệp vụ vượt trội hơn.
Nhưng kết quả những năm qua cho thấy đối thủ của Mỹ cũng cực kỳ điêu luyện trong chiến dịch truy lùng gián điệp do Washington chiêu mộ, cài cắm.
Một số cựu quan chức tin rằng khả năng đối phó với tình báo nước ngoài của CIA đã thui chột sau 20 năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, vốn đòi hỏi những kỹ năng và chiến thuật tác chiến khác.
Tạo dựng, huấn luyện, chỉ huy gián điệp do thám chính phủ nước ngoài rất khác so với cài cắm nguồn tin bên trong mạng lưới các tổ chức khủng bố.
Nguy cơ từ gián điệp hai mang
Điện mật của bộ phận phản gián liệt kê số lượng các gián điệp của CIA bị bắt và hành quyết, đồng thời thừa nhận không rõ bao nhiêu gián điệp hoạt động hai mang chống lại Mỹ.
Có một số trường hợp, khi bị tình báo nước ngoài lật tẩy, các nguồn tin của Mỹ không bị bắt. Thay vào đó, họ bị biến thành gián điệp hai mang và cung cấp thông tin sai lệch cho CIA. Những thông tin này sẽ làm chệch hướng các hoạt động và phân tích tình báo của Mỹ.
Các cựu quan chức cho biết Pakistan đặc biệt thông thạo trong chiến thuật sử dụng gián điệp hai mang như vậy.
Sự sụp đổ của chính quyền do phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan khiến Washington phải tăng cường các hoạt động do thám quan hệ giữa Pakistan với chính phủ Taliban và các tổ chức cực đoan khác ở khu vực.
Hệ quả là CIA đối mặt áp lực phải xây dựng và duy trì mạng lưới nguồn tin hiệu quả ở Pakistan. Rủi ro ở chỗ Islamabad đã triệt phá nhiều mạng lưới gián điệp như vậy của Mỹ.
Tương tự, nhu cầu đối phó với các cường quốc đối thủ như Trung Quốc, Nga buộc tình báo Mỹ phải xây dựng mạng lưới gián điệp hiệu quả hơn, cũng như đặt ra bài toán bảo vệ các nguồn tin.
Ở những nước này, công nghệ có thể là một vấn đề. Trí tuệ nhân tạo, kiểm tra sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt, và các công nghệ khác giúp chính phủ các nước dễ dàng lần theo dấu vết đặc vụ Mỹ hoạt động trên lãnh thổ quốc gia họ. Điều này khiến mọi hình thức gặp gỡ, trao đổi trở nên cực kỳ khó khăn.
Theo các cựu quan chức Mỹ, việc một hệ thống thông tin liên lạc bí mật mà CIA sử dụng bị phát hiện ở Trung Quốc và Iran dẫn tới nhiều nguồn tin của Mỹ bị bắt giữ và hành quyết. Những nhân sự còn lại được CIA rút về và tái bố trí vào những công việc khác.
Các cựu quan chức cho biết có không ít ví dụ về chuyện CIA quá tập trung vào mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ mà không có đánh giá phù hợp về khía cạnh an ninh. Trong một số trường hợp, các gián điệp phản bội dẫn tới hậu quả chết chóc cho nước Mỹ.
Vụ đánh bom căn cứ CIA ở Khost, Afghanistan khiến 7 đặc vụ thiệt mạng là một ví dụ. Khi đó, CIA chiêu mộ một bác sĩ người Jordan, tin rằng đã lôi kéo được người này giúp xâm nhập mạng lưới của Al Qaeda. Nhưng thực tế, bác sĩ này đã phản bội CIA.
(Theo New York Times)