Hàn Quốc “đau đầu” vì vấn đề kéo cả tương lai đất nước đi xuống: Việt Nam có dấu hiệu
Hơn 42% trong số những người trên 30 tuổi ở Hàn Quốc vẫn chưa kết hôn vào năm ngoái – Korea Times dẫn dữ liệu điều tra dân số nước này cho biết. Con số nguy hiểm này cho thấy xu hướng nhiều người trẻ trì hoãn hoặc quyết định không kết hôn trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài.
Cụ thể, trong năm ngoái, có 13,7 triệu người độc thân từ 15 tuổi trở lên, trong số đó có tới 2,82 triệu người ở độ tuổi 30 trở lên độc thân – tăng so với 2,68 triệu 5 năm trước đó, theo điều tra dân số năm 2020 của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc.
Con số độc thân đạt kỉ lục
Số liệu cho thấy tỷ lệ người chưa kết hôn ở độ tuổi 30 trở lên đạt 42,5% vào năm ngoái, tăng 6,2% so với 36,3% năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên con số vượt mốc 40% cho nhóm tuổi này. Theo giới tính, 50,8% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 30 vẫn chưa kết hôn, trong khi phụ nữ độc thân chiếm 33,6%.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chọn cách lánh xa 3 cột mốc quan trọng của cuộc đời – hẹn hò, kết hôn và sinh con – vì họ không thể tìm được việc làm tử tế trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà tăng chóng mặt. Theo đó, Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ sinh con giảm liên tục.
Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc – số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong cả cuộc đời – đạt mức thấp kỷ lục 0,84, thấp hơn nhiều so với mức thay thế 2,1, vốn sẽ giữ cho dân số Hàn Quốc ổn định ở mức 51 triệu.
Cơ quan thống kê cho biết ngoài xu hướng cơ bản của việc trì hoãn kết hôn, đại dịch COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến dữ liệu hôn nhân. Điều tra dân số cho thấy phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn kết hôn ít hơn những người khác, với 22,1% phụ nữ có bằng thạc sĩ độc thân vào năm ngoái. Tỷ lệ người độc thân chiếm 31,1% số người từ 15 tuổi trở lên trong năm ngoái, giảm so với 31,3% của 5 năm trước đó do số lượng thanh thiếu niên giảm mạnh trong bối cảnh tỷ lệ sinh con liên tục giảm.
Những nguyên nhân chính
Giải thích cho vấn đề này, một số vấn đề xã hội Hàn Quốc đã được nhắc tới, cụ thể:
– Tiền lương thấp khiến người dân không thể trang trải chi phí sinh con. Do giá nhà tăng chóng mặt, nhiều người quyết định không kết hôn và không sinh con để không phải gánh khoản nợ lớn.
– Bình đẳng giới được cải thiện. Phụ nữ Hàn Quốc không muốn ở nhà làm nội trợ mà muốn độc lập về tài chính, kể cả khi đã kết hôn. Do không có người ở nhà chăm sóc trẻ nhỏ, các cặp đôi thường không muốn sinh con. Đây cũng là lí do khiến nhiều phụ nữ không muốn kết hôn.
– Thiếu hệ thống hỗ trợ thai phụ. Thiếu ngày nghỉ phép, không có chính sách hỗ trợ sinh con đầy đủ,… khiến nhiều gia đình không muốn sinh con.
Vấn đề già hóa dân số hiện đang ngày càng nhức nhối ở các quốc gia phát triển. Về lâu dài, xã hội với dân số già sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho tình hình kinh tế, chính trị.
Một khảo sát trên 7.000 thanh niên Nhật Bản trong độ tuổi từ 20-30 cho thấy có 40% số người độc thân không chủ động tìm kiếm quan hệ. Họ nghĩ yêu đương rất phiền toái, việc đắm mình trong các thú vui của bản thân đáng được ưu tiên hơn nhiều.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị Việt Nam đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và tăng lên 10,1% vào năm 2019. Con số này vào năm 1999 chỉ là 4,4%. Trong đó, tỷ lệ hộ độc thân là người già (65 tuổi trở lên) đã tăng gấp rưỡi. Có thể thấy, xu hướng độc thân ở Việt Nam dường như đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian 20 năm qua và do đó, cần các giải pháp hữu hiệu để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng này.
Tất Đạt