Hàn Quốc “cắm cờ”, chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chip
Sau làn sóng dịch chuyển từ các công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, Việt Nam hiện đang thu hút các công ty sản xuất chip của “Xứ sở kim chi”.
Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea – BOK) đã chỉ ra rằng Việt Nam đang trở thành một điểm đến quan trọng cho các tập đoàn sản xuất chip của Hàn Quốc.
“Việt Nam sẽ trở thành một nguồn cung quan trọng cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc khi nước này trở thành một cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin. Việc sản xuất chip tại Việt Nam sẽ được dành cho xuất khẩu và phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin của Hàn Quốc tại đất nước này,” BOK nhấn mạnh.
Hàn Quốc nổi tiếng là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp đang theo dõi sát tình hình và cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực mà thương chiến Mỹ – Trung gây ra.
Theo báo cáo mới công bố của BOK, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch với doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đạt mức đỉnh, vị thế của những quốc gia mới nổi như Việt Nam ngày càng được chú ý.
Đáng chú ý, Việt Nam đã tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc. Theo số liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, tính đến năm 2022, Trung Quốc chiếm 55% lượng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, tiếp theo là Việt Nam với tỷ lệ 12%, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ lần lượt chiếm 9% và 7%.
Korea Times đã trích dẫn số liệu này và nêu rõ rằng Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm 2022, đồng thời tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho quốc gia này. Con số thặng dư thương mại vào năm 2022 được xác định là 34,26 tỷ USD, cao gấp ba lần so với năm 2012, thời điểm trước khi hai nước ký kết hiệp định thương mại tự do ba năm trước đó.
Hơn nữa, với lợi thế nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ, chất lượng với chi phí tương đối thấp, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các cơ sở sản xuất. Theo BOK, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, Samsung Electronics đã chuyển nhà máy sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018. Apple cũng đã dịch chuyển một số phần của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm trước, trong khi Google cũng đang xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam.
Trong một buổi hội thảo gần đây, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc không phải là điều mới xảy ra trong vòng 2-3 năm qua, mà đã diễn ra trong suốt 15 năm qua, bắt đầu từ các nhà đầu tư Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc.
Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung và các tác động của dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã hưởng lợi từ sự chuyển dịch này. Theo khảo sát và tư vấn quốc tế, khoảng 64% nhà đầu tư đã chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc đã lựa chọn khu vực Đông Nam Á, và trong số đó hơn một nửa đang xem xét Việt Nam. Vì Việt Nam có lợi thế lớn trong lĩnh vực logistics và kết nối sản xuất với Trung Quốc.
Theo đánh giá từ Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore), Việt Nam có thể biến “cơn sốt chip” hiện tại thành một cuộc chạy marathon có chiến lược bài bản bằng cách tăng cường hệ thống đào tạo, thúc đẩy sự đổi mới trong nước và xây dựng một chiến lược quốc gia rõ ràng. Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam có thể đảm bảo vị trí dẫn đầu trong cuộc cách mạng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Tuệ Ngô