Hàn Quốc bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo, Nhật Bản kịch liệt phản đối
Ngày 22.8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố Tokyo kịch liệt phản đối quyết định của Hàn Quốc về việc chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với nước này.
“Tôi phải khẳng định rằng quyết định chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo của chính phủ Hàn Quốc là hành động đánh giá sai lầm hoàn toàn về môi trường an ninh khu vực”, Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh, theo AFP.
“Chúng tôi không thể chấp nhận những tuyên bố từ phía Hàn Quốc và chúng tôi kịch liệt phản đối quyết định của Seoul”, ông Kono nói, đồng thời cho biết Tokyo đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Seoul thông báo rằng “duy trì hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm không còn là lợi ích quốc gia của Hàn Quốc”.
Việc chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo đẩy mối quan hệ song phương giữa hai đồng minh của Mỹ xuống mức thấp mức, theo AFP.
Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp trả đũa lẫn nhau xuất phát từ việc tòa án Hàn Quốc ra phán quyết chống lại các công ty Nhật Bản, yêu cầu họ phải bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần 2.
Căng thẳng ngoại giao dẫn đến ảnh hưởng hợp tác thương mại với hai nền kinh tế công nghệ cao loại nhau khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy.
Seoul có động thái bất ngờ này chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có cuộc gặp gỡ tại thủ đô Bắc Kinh, cam kết nỗ lực giải quyết căng thẳng khu vực cùng vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh việc hủy hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo và những quyết định của Nhật Bản về việc hạn chế thương mại với Hàn Quốc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Về lý do dẫn tới quyết định trên, Hàn Quốc cho rằng việc Nhật Bản thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đã tạo ra “sự thay đổi nghiêm trọng” đối với điều kiện hợp tác an ninh; Nhật Bản không cung cấp căn cứ rõ ràng cho quyết định loại bỏ Seoul khỏi “danh sách trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy; thời điểm này không phù hợp để chia sẻ thông tin nhạy cảm với Nhật Bản và việc có GSOMIA không đáp ứng lợi ích quốc gia.
Một quan chức phía Hàn Quốc cho biết nếu Nhật Bản rút lại những hành động trả đũa thì Chính phủ nước này có thể xem xét lại các biện pháp đã được thực hiện bao gồm cả GSOMIA.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói đây là động thái “vô cùng đáng tiếc”. Tokyo nhiều lần nhấn mạnh GSOMIA là thành phần quan trọng để duy trì hợp tác, thúc đẩy an ninh, ổn định tại khu vực.
Trong khi đó, một quan chức cao cấp của Lực lượng phòng vệ (SDF) nói rằng quyết định này sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc ứng phó với các vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên do SDF có một hệ thống chia sẻ thông tin vững chắc với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, quan chức này bày tỏ lo ngại về tác động có thể xảy ra đối với trao đổi và liên lạc giữa các thành viên SDF và quân đội Hàn Quốc.
Đại diện quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản từ chối bình luận, cho rằng đây là vấn đề song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
GSOMIA được coi là trụ cột chính trong hợp tác quân sự giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, được ký vào tháng 11/2016, cho phép các nước chia sẻ thông tin về các hoạt động tên lửa từ CHDCND Triều Tiên. Thỏa thuận này được tự động gia hạn hàng năm nếu một trong các nước tham gia không tuyên bố đình chỉ trước ngày 24/8.
Tieu Diem