+
Aa
-
like
comment

Hạm đội hùng mạnh của nhà Thanh bị hải quân Pháp ‘bắt nạt’ ra sao?

02/02/2021 05:04

Trung Quốc thời nhà Thanh từng dấn thân vào chiến tranh không chính thức với Pháp và phải nhận lấy kết cục thảm bại trên biển, dù lực lượng có phần hùng hậu hơn.

Năm 1884, quan hệ Pháp-Trung Quốc (thời nhà Thanh do Từ Hi Thái hậu nắm quyền) trở nên căng thẳng, dẫn đến một cuộc chiến tranh không chính thức.

Chiến tranh Pháp-Thanh

Cuộc xung đột kéo dài 9 tháng được coi là bất phân thắng bại nhưng đã làm suy yếu chính quyền phong kiến nhà Thanh, khiến cho một quốc gia có số dân đông đảo, năng lực chiến đấu đáng kể lộ rõ sự yếu đuối.

Nguyên nhân nổ ra chiến tranh Pháp-Thanh nằm ở việc Pháp muốn mở rộng hoạt động thương mại và buôn bán sang Trung Quốc, cạnh tranh với người Anh.

Với việc Hong Kong rơi vào tay người Anh từ sau Chiến tranh nha phiến, con đường giao thương mà Pháp lựa chọn là thông qua phía Bắc Việt Nam đến các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc.

“Người Pháp tin rằng họ cần phải mở rộng quyền kiểm sang miền Bắc Việt Nam trước khi người Anh để mắt đến”, David Wilmshurst một sỹ quan hải quân Pháp ở thời kỳ đó từng nói.

Nhưng Trung Quốc thời nhà Thanh không chịu từ bỏ quyền kiểm soát và chi phối Việt Nam. Căng thẳng Pháp-Thanh đẩy lên cao trào sau khi quân Thanh đánh úp lực lượng Pháp trong trận Bắc Lệ, cách Lạng Sơn gần 30 km vào tháng 6/1884.

22 lính Pháp chết và 60 người khác bị thương đã tạo nên làn sóng giận giữ ở Paris, yêu cầu chính quyền phải đáp trả. Nhà Thanh biết các nỗ lực ngoại giao đã thất bại nên âm thầm gia cố thành lũy, tăng cường phòng thủ tại các hải cảng chiến lược.

Nhà Thanh khi đó sở hữu hạm đội Nam Dương với quy mô hùng hậu nhất. Lực lượng chủ lực của hạm đội được đặt ở Thượng Hải, trong đó tàu tuần dương Kaiji được đánh giá mạnh nhất trong khu vực.

Tổng cộng cả hạm đội có 20 tàu chiến, trong đó có 5 tàu vỏ sắt và 2 tàu vỏ thép lượng giãn nước 2.200 tấn. Thiết giáp hạm Jinou trong hạm đội còn được châu Âu gọi là “cơn ác mộng của phương Tây”.

Đến tháng 7/1884, hạm đội Nam Dương được bổ sung thêm hai tàu tuần dương vỏ thép do Đức đóng mới, khởi hành từ Đức vào tháng 3/1884.

Năng lực chiến đấu đáng nể của hạm đội Nam Dương ở Thượng Hải khiến người Pháp phải cẩn trọng. Các chỉ huy Pháp cho rằng không nên liều tấn công vào trung tâm đầu não của hạm đội.

Thay vào đó, hải quân Pháp do Đo đốc Amedee Courbet chỉ huy quyết định nhắm vào hạm đội Phúc Kiến.

Hải quân Pháp “bẻ gãy” hạm đội nhà Thanh

Tháng 8/1884, hạm đội hùng hậu của Pháp bao gồm 7 tàu chiến và 2 tàu phóng lôi nổ súng tấn công các tàu Trung Quốc trên sông Min, cách Phúc Châu vài km.

Trận đánh diễn ra chỉ vỏn vẹn 30 phút là ngã ngũ, khiến cho nhiều người gọi đây là một cuộc thảm sát. Các tàu chiến Pháp đánh chìm 9 tàu chiến của nhà Thanh, bao gồm cả tàu được vũ trang hạng nặng.

Ngày hôm sau, tàu chiến Pháp pháo kích và phá hủy công xưởng quân Thanh. Tới ngày 25/8, hạm đội Pháp hướng ra biển, trên đường đi họ bắn phá và dễ dàng tiêu diệt tất cả các pháo lũy của nhà Thanh bố trí dọc theo bờ sông.

Trong suốt quãng thời gian diễn ra chiến dịch, hải quân Pháp chỉ để một tàu tuần dương ở ngoài khơi Thượng Hải, giám sát hoạt động của hạm đội Nam Dương. Trên thực tế, hạm đội mạnh nhất của nhà Thanh khi đó án binh bất động, thậm chí không chặn đường tàu tuần dương Pháp khi nó rút khỏi khu vực.

Sau trận Phúc Châu, hải quân Pháp tiếp tục tiến lên phía Bắc, phong tỏa eo biển Đài Loan. Để phá vòng vây của quân Pháp, nhà Thanh điều hạm đội Nam Dương khởi hành từ Thượng Hải. Nhưng vì mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền Thanh Triều mà lực lượng chặn đánh hải quân Pháp chỉ có 5 tàu chiến, bao gồm 3 tàu tuần dương.

Tới mãi tận giữa tháng 2/1885, hạm đội quân Thanh mới đến vịnh Thạch Phổ và chạm trán hạm đội Pháp. Hạm đội Pháp với ưu thế vượt trội về hỏa lực khiến các tàu chiến quân Thanh rút lui.

Hai tàu nhỏ hơn không chạy kịp bị tàu chiến Pháp đánh chìm. 3 tàu tuần dương còn lại chạy về được đến Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang thì bị hải quân Pháp phong tỏa và không có bất kỳ một đóng góp quân sự gì cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Trận đánh này cũng kết thúc xung đột Pháp-Thanh trên biển. Hải quân nhà Thanh với lực lượng hùng hậu chấp nhận để một lực lượng tàu chiến Pháp khá mỏng phong tỏa một khu vực trải dài từ bờ biển miền Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Đến tháng 9/1885, nhà Thanh phải ký với Pháp hiệp ước gây nhiều tranh cãi. Nhà Thanh không những bị tổn hại uy tín, tổn thất hạm đội Phúc Kiến, để cảng Phúc Châu bị phá hủy, kéo theo tổn thất về kinh tế nặng nề lên tới 100 triệu lạng bạc và phải bồi thường Pháp chiến phí 20 triệu lạng bạc.

Sau chiến tranh Pháp-Thanh, các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ và các nước láng giềng như Nga, Nhật Bản nhận thấy sự yếu kém của Trung Quốc thời nhà Thanh và bắt đầu lấn tới, đòi quyền lợi riêng.

Đăng Nguyễn

Bài mới
Đọc nhiều