Hai trợ thủ đắc lực của ông Biden: “Ra đòn” chính sách gây áp lực có hệ thống hơn đối với TQ
Dưới sự tư vấn của cố vấn thân cận, ông Biden sẽ khôi phục liên minh với phương Tây để đối phó ảnh hưởng của sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Ngày 23/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã công bố danh sách các thành viên nội các đầu tiên, chủ yếu trong các lĩnh vực an ninh quốc gia và ngoại giao. Trong số đó, ông Antony Brinken được đề cử làm Ngoại trưởng, và ông Jacke Sullivan được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia.
Theo giới phân tích Trung Quốc, danh sách ứng cử viên nội các của Biden cho thấy ba đặc điểm: truyền thống, chuyên nghiệp và cân bằng. “Đây là sự trở lại của phe tổ chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh trong và ngoài nước Mỹ hiện nay, liệu các chính sách của phe này có còn duy trì tính chất “tổ chức” truyền thống của đảng Dân chủ hay không vẫm là một dấu hỏi”.
Trong lĩnh vực chính sách đối với Trung Quốc, các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng Brinken và Sullivan, những người đóng vai trò quan trọng trong nhóm ngoại giao và an ninh quốc gia của Biden, không phải là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, mà tập trung hơn vào chiến lược ngoại giao tổng thể. Đặc biệt, Brinken tương đối chuyên sâu hơn về các vấn đề châu Âu, có nghĩa là khôi phục hệ thống đồng minh toàn cầu của Mỹ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.
Chuyên gia: Người quay trở lại, chính sách có thể không
Vào ngày 23/11, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã công bố những nhân vật sẽ được đề cử vào nội các và Nhà Trắng trong nhiệm kỳ mới.
Ông Antony Blinken được đề cử làm Ngoại trưởng, ông Jake Sullivan được đề cử làm Cố vấn An ninh quốc gia, ông Alejandro Mayorkas được đề cử làm Bộ trưởng An ninh nội địa.
Bà Avril Haines được đề cử làm Giám đốc tình báo quốc gia, bà Linda Thomas-Greenfield được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Ông John Kerry được đề cử làm Đặc phái viên của tổng thống về chống biến đổi khí hậu và sẽ tham gia Hội đồng an ninh quốc gia.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen được đề cử làm Bộ trưởng Tài chính.
Ông Đạt Nguy, Chủ nhiệm Khoa Chính trị Quốc tế kiêm Trợ lý Hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng, loạt danh sách này về cơ bản nằm trong dự kiến và hầu hết họ đều là “người cũ”, điều đó có nghĩa là việc hoạch định chính sách của chính quyền Biden, đặc biệt các chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia sẽ thể hiện phong cách truyền thống và chuyên nghiệp, sẽ không xuất hiện các tình huống bất ngờ, khó đoán.
Ngoài ra, các ứng viên mà Biden dự định bổ nhiệm cho thấy sự chú ý cân bằng giữa quyền lợi và lợi ích của các bên. “Ví dụ, Blinken là thân tín của Biden, Sullivan là thân tín của bà Hillary, Haines là thân tín của Obama”, ông Đạt Nguy cho rằng, cùng với phong cách ít cá nhân và cảm tính của Biden, tương lai của Nhà Trắng sẽ tương đối ổn định hơn, không thường xuất hiện tình trạng từ chức, sa thải.
“Nhìn chung, đây có thể coi là sự trở lại của phe tổ chức. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù người đã trở lại nhưng chính sách của họ có thể không giống như trước. Một mặt, tình hình nội bộ và thế giới hiện nay sẽ khiến họ đưa ra điều chỉnh nhất định đối với các chính sách truyền thống của Mỹ. Mặt khác, phe tổ chức truyền thống cũng cần có những thỏa hiệp tương ứng với các lực lượng cấp tiến hơn trong đảng Dân chủ”, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, danh sách đợt nội các đầu tiên chưa xuất hiện trong các ứng cử viên cấp tiến của đảng Dân chủ, nhưng những nhân vật này có thể xuất hiện ở danh sách tiếp theo, giữ những vị trí liên quan đến vấn đề nội bộ Mỹ.
Các nhà ngoại giao cốt lõi Brinken và Sullivan: Không chuyên sâu về TQ, ủng hộ chính sách đối ngoại mở rộng
Trong đội ngũ nội các của ông Biden, hai nhân vật chủ chốt đáng chú ý là Brinken và Sullivan, những người được coi là đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử.
Chia sẻ với Hoàn cầu, ông Đạt Nguy nói, cả Brinken và Sullivan đều quan tâm đến hệ thống đồng minh của Mỹ hơn là chính sách đối với Trung Quốc và coi đó là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại trong 4 năm tới. Họ có xu hướng coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” hơn là “kẻ thù đối đầu toàn diện”.
Brinken được coi là một quan chức dày dặn kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, sở hữu mạng lưới quan hệ toàn cầu rộng lớn và rất giỏi điều phối mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và Quốc hội.
Bloomberg nhận định, việc chọn Brinken trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho thấy Biden có ý định để “những người có kinh nghiệm” nắm giữ vị trí nội các quan trọng và quay trở lại chính sách đối ngoại, trong đó chú trọng vào các mối quan hệ đồng minh.
“Blinken sẽ thúc đẩy Biden thực hiện chính sách ‘ngoại giao mở rộng’ và định hình lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế”, ông Tôn Thái Nhất, Giáo sư trợ lý thuộc Khoa chính trị học tại Đại học Christopher Newport, cho biết. “Với điểm mấu chốt là hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để chủ động xây dựng các quy tắc, chuẩn mực và hệ thống quốc tế, đồng thời tích cực kết hợp răn đe quân sự để đạt được các mục tiêu ngoại giao của Mỹ”.
Nhìn chung, nhiều người tin rằng mục tiêu ngoại giao chính của Brinken trong chính quyền này là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch mới. Được biết, Brinken và Sullivan đã làm việc cùng nhau để giúp Biden phát triển một chiến lược bao gồm nhanh chóng liên lạc với các đồng minh và thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế của nó.
“Đối với đại dịch Covid-19, cộng đồng quốc tế bức thiết cần một nhà lãnh đạo”, Brinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Điều đầu tiên chúng ta phải đối phó, dù trong nước hay quốc tế, là nỗ lực để thoát khỏi đại dịch”.
Về quan hệ với Trung Quốc, Tôn Thái Nhất tin rằng, quan điểm của Brinken là những nỗ lực của Mỹ nhằm biến Trung Quốc thành một bên liên quan quan trọng trong hệ thống quốc tế dưới sự lãnh đạo của họ “đã thất bại”, nhưng sự cạnh tranh giữa hai nước chỉ giới hạn ở mảng kinh tế và công nghệ, nhân tài, do đó, Mỹ nên tập trung vào không gian mạng, vũ trụ, kinh tế và năng lượng, hơn là đối đầu với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.
Trước đó, Brinken từng đưa ra tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông nói rằng, Biden lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng công nghệ để củng cố khả năng kiểm soát của bản thân, và nói rằng “thế giới được chia thành nền dân chủ công nghệ và chế độ độc tài công nghệ”. Do đó, có phân tích cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ cao, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không có nhiều điều chỉnh.
“Brinken rất coi trọng thương mại, và có thể cân nhắc thúc đẩy chính quyền Biden thăm dò khả năng gia nhập CPTPP và sử dụng thị trường để tác động đến các nước khác. Ông ấy sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là thông qua can thiệp chính sách để giúp Mỹ duy trì vị trí đi trước Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, họ đang củng cố khái niệm an ninh quốc gia của các công ty Mỹ nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ”, ông Tôn dự đoán.
Ngoài ra, ông này tin rằng, ông Brinken cũng có thể trở thành người thúc đẩy chính cho các sáng kiến trong tương lai của ông Biden như “Hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ” nhằm xây dựng một liên minh phương Tây đối phó ảnh hưởng của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Trong khi đó, ông Sullivan, 44 tuổi, là một cố vấn ngoại giao và được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” trong đảng Dân chủ. Ông là ứng cử viên trợ lý an ninh quốc gia của bà Hillary Clinton khi tranh cử tổng thống. Vào thời điểm đó, bà Hillary thậm chí còn tuyên bố, ông Sullivan có thể sẽ tranh cử tổng thống trong tương lai. Sullivan từng phụ trách Vụ Kế hoạch Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ và thành lập “Tổ chức Hành động An ninh Quốc gia” nhằm phản đối chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Nhóm tư vấn này bao gồm hầu hết tất cả các thành viên quan trọng trong giới ngoại giao và an ninh quốc gia của đảng Dân chủ.
Bài viết Cạnh tranh nhưng không mang lại tai họa của Sullivan đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 9/2019 được coi là một sự bộc lộ quan điểm của ông về Trung Quốc. Bài báo này tin rằng chính sách can dự của Mỹ với Trung Quốc đã chấm dứt và nước này nên sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong một loạt vấn đề. Tuy nhiên, hai nước không nên cắt giảm mô hình chiến tranh lạnh vì Trung Quốc và Mỹ có thể cùng tồn tại và không thể không cạnh tranh nhau nhưng cần đề phòng quan hệ hai nước rơi vào trạng thái xung đột nguy hiểm.
“Brinken và Sullivan sẽ ủng hộ Mỹ chủ động thách thức phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như ở những vùng biển xung quanh và ủng hộ chiến lược Tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng họ cũng sẽ ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và vấn đề hạt nhân Triều Tiên”, Tôn Thái Nhất cho rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc do hai người dẫn đầu sẽ gây áp lực có hệ thống hơn đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực nhưng nó cũng sẽ tạo ra cơ hội để quay trở lại con đường đối thoại hợp lý và thậm chí hợp tác trong một số lĩnh vực.
An An/TQ