+
Aa
-
like
comment

Hai tiền đề quan trọng để mở cửa kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Diệu Hương - 15/09/2021 15:00

Giãn cách phòng chống dịch kéo dài ở TP.HCM nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung là giải pháp gần như là liều thuốc duy nhất để kiềm chế sự bùng phát mạnh của dịch bệnh. Tuy nhiên, phản ứng phụ rất nghiêm trọng của liều thuốc này là đứt gãy, đình trệ sản xuất.

Sau gần 2 năm bị tác động bởi dịch, nhiều ngành, nghề lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, tài chính doanh nghiệp bị bào mòn nhanh chóng. Đợt dịch thứ 4 – cú đấm mạnh đã hạ gục nhiều doanh nghiệp. Gần 40% số đơn vị tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 chỉ còn đủ tiền duy trì hoạt động dưới một tháng, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động. Chỉ khoảng 4% nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất cho biết, họ không cắt giảm lao động, đây cũng là điểm sáng nhưng rất hiếm hoi trong bức tranh tổng thể.

Với TP.HCM, mốc thời gian dự kiến hết tháng 9, có lẽ chỉ là thời hạn kiến nghị đưa ra bởi không thể chính xác tuyệt đối về % số người được tiêm chủng, xét nghiệm để chuyển màu các vùng đủ điều kiện mở cửa. Do vậy, dù tình hình diễn biến như thế nào thì bài toán mở cửa nền kinh tế cần được tính toán và triển khai từ ngay bây giờ. Nếu cứ chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội thì sẽ chuyển nó về tay các nhà đầu tư khác trong khu vực. Một khi đã bỏ lỡ rồi, Việt Nam sẽ rất khó tìm kiếm được cơ hội khác để lấy lại những đơn hàng đó, những dòng vốn đầu tư đó. Vì thế, cần xác định rõ tiêu chí để sẵn sàng mở cửa.

Theo đó, hai tiền đề quan trọng để mở cửa kinh tế TP.HCM là phải phủ sóng vaccine nhanh cho doanh nghiệp và nới lỏng các quy định “3 tại chỗ”. Hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người dân đã đạt hơn 82% nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 lại rất thấp, chỉ khoảng 3,7%. Do đo cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Mở hết các kênh huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy tiến độ tiêm vaccine mũi 2 bao gồm việc tạo cơ chế cho phép và khuyến khích doanh nghiệp tự mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine. Đây là điều kiện mấu chốt để các doanh nghiệp có thể hoạt động lại an toàn. Bước tiếp theo là nới lỏng cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, chuyển dần sang áp dụng mô hình “2 điểm đến xanh và 1 cung đường”. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ định vị để nhận diện và quản lý vấn đề dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, cần đánh giá lại một số ngành hàng có vai trò quan trọng nhằm có chính sách phù hợp để vực dậy doanh nghiệp. Theo đó, cần ưu tiên các lĩnh vực có thể kiểm soát được vấn đề tập trung đông người. Lĩnh vực có tỷ lệ kiểm soát cao nhất, có thể mở lại trước là sản xuất. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng. Chính quyền cần thông báo trước cho người dân và doanh nghiệt ít nhất 2 tuần việc mở cửa để có thể sắp xếp lại guồng máy công việc một cách chủ động. Việc này giúp ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Ngoài ra, hoạt động liên kết vùng thời gian qua chủ yếu dựa vào “công năng của thị trường”, chưa đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng có nguyên nhân lớn từ đứt gãy chuỗi cung ứng do tính liên kết vùng bị bẻ gãy. Để tránh lặp lại hạn chế này trong tương lai, thành phố cần chủ trì cùng các tỉnh (ít nhất là những tỉnh giáp ranh) xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng bền vững. Đặc biệt, đưa ra các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng với các kịch bản chi tiết, tương ứng với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nếu nó tiếp tục xảy ra trong tương lai, nhằm hạn chế tối đa tổn thương của nền kinh tế.

Dịch Covid-19 có thể coi là tai ương chưa có tiền lệ nhưng càng như thế thì càng cần sự quyết tâm, đồng lòng, huy động nhân, vật lực và trí tuệ của cả cộng đồng. Trong đó, tính trách nhiệm, sáng tạo và tận tâm của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn mới.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều