Hai thế giới hậu bầu cử giằng co nhau ở Mỹ
Ở thế giới thứ nhất, ông Joe Biden bắt đầu lên kế hoạch điều hành đất nước. Ở thế giới thứ hai, Tổng thống Donald Trump nhất quyết theo đuổi một chiến dịch pháp lý trường kỳ.
Vào ngày thứ Hai của tuần đầu tiên sau khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố thắng cử, ông và Tổng thống Donald Trump đã tiến bước trên hai con đường song song nhưng khác biệt nhau.
Hai thái cực trái chiều
Liên danh tranh cử Joe Biden Kamala Harris nhanh chóng nắm lấy quyền kiểm soát cuộc chiến chống Covid-19. Họ lập một hội đồng tư vấn mới và triệu tập một cuộc họp để lắng nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh. Sau đó, ông Biden đứng trên bục phát biểu và kêu gọi cả nước Mỹ “xích lại gần nhau”, đề phòng và chuẩn bị cho một “mùa đông đen tối” tiềm ẩn sắp tới.
“Chúng ta hãy đeo khẩu trang và cùng nhau làm việc”, ông Biden nói.
Ngược lại, ông Trump không xuất hiện trước công chúng mà chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội Twitter. Ông tiếp tục phớt lờ chiến thắng của đối thủ, và chiến dịch của ông tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý phản đối kết quả bầu cử, dù nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng ông Biden.
Chiều ngày 9/11, Tổng thống Mỹ đương nhiệm thông báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, động thái được đánh giá là mở màn cho một sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ. Ông cũng viết một cách đầy lạc quan trên Twitter về chiến thắng kiểm phiếu lại ở hai bang Georgia và Wisconsin.
Trong khi đó, đợt bùng phát Covid-19 mới vừa xuất hiện trong đội ngũ của ông Trump. Giám đốc Phát triển Nhà ở và Đô thị Ben Carson và người điều hành các nỗ lực kiểm phiếu lại Dave Bossie là hai nhân vật mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi dự tiệc đêm bầu cử bên trong Nhà Trắng. Chánh văn phòng của ông Trump là Mark Meadows cũng được chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Thực tế kể trên tạo cảm giác hai phe đang hoạt động trong hai thế giới khác biệt: Một với ông Biden đã đắc cử tổng thống và một với ông Trump còn vài tuần nữa để giải quyết vấn đề.
Ở thế giới đầu tiên, ông Joe Biden và chiến dịch của ông đang đẩy mạnh các kế hoạch chuyển giao. Ở thế giới thứ hai, ông Donald Trump cùng chiến dịch của ông đang vạch ra các bước tiếp theo cho những thách thức pháp lý lâu dài.
Mọi việc chưa kết thúc
Theo tạp chí Politico, có vẻ như Cánh Tây của Nhà Trắng đang mắc kẹt ở giữa. Một quan chức cho biết, các nhân viên đang chờ đợi kết quả bầu cử cuối cùng, và một số quan chức cấp cao như Jared Kushner và Thư ký báo chí Kayleigh McEnany đang lơ lửng giữa chiến dịch và công việc của họ.
Phó tổng thống Mike Pence, vốn kín tiếng hơn trong những ngày sau cuộc bầu cử, cũng lên Twitter thông báo ông đã nói với đội ngũ của mình rằng “mọi việc chưa kết thúc cho đến khi nó kết thúc… và chuyện này vẫn chưa qua đâu”.
Trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, các thành viên dành cả ngày thứ Hai (9/11) để củng cố lập luận công khai cho các vụ kiện ở một số bang chiến địa, đồng thời tranh thủ giải thích cho nhân viên cách thức họ có thể giải quyết vấn đề này. Một nguồn tin tiết lộ cho Politico rằng, nhiều nhân viên đã được triệu tập tới trụ sở tranh cử ở Virginia để dự một cuộc họp dưới sự chủ trì của Bill Stepien, Giám đốc chiến dịch, và luật sư Justin Clark.
Đến nay, một số vụ kiện đã bị tòa án bác bỏ, và chiến dịch của ông Trump vẫn chưa đưa ra bằng chứng về tình trạng gian lận phổ biến có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.
Phát biểu trên Fox Business, Jason Miller cố vấn chiến dịch tái tranh cử của ông Trump nói rằng chiến dịch tin có con đường hướng tới việc Tổng thống tiếp tục tại nhiệm.
“Chúng tôi sẽ theo đuổi tất cả các biện pháp pháp lý này, tất cả các phương pháp kiểm phiếu. Chúng tôi sẽ tiếp tục vạch trần và điều tra tất cả các trường hợp gian lận hoặc lạm dụng, và đảm bảo người dân Mỹ có thể tin tưởng hoàn toàn vào các cuộc bầu cử này”, ông Miller tuyên bố.
Vị cố vấn cho biết thêm, chiến dịch đang thu thập bằng chứng về cáo buộc gian lận và tin rằng sẽ đủ để thay đổi kết quả bầu cử ở Pennsylvania. Ông cũng rất hy vọng vào kiểm phiếu lại ở Georgia, Arizona, cùng hành động pháp lý ở Michigan và Wisconsin.
Jason Miller khẳng định “nhượng bộ thậm chí không có trong khối từ vựng của chúng tôi lúc này”.
Để chi trả cho các vụ kiện, chiến dịch đang cố gắng huy động hàng chục triệu đôla, dựa vào các nhà tài trợ hàng đầu và các nỗ lực gây quỹ cả trên mạng lẫn qua tin nhắn. Chiến dịch còn cử người đại diện lên truyền hình địa phương ở các tiểu bang có khiếu kiện để tuyên truyền.
Bất chấp những nỗ lực đó, một số nhân viên của chiến dịch thừa nhận không có cách nào lật ngược kết quả bầu cử và họ đã bắt đầu tìm kiếm công việc tiếp theo cho mình. Một nguồn tin cho biết, chiến dịch sẽ trả lương cho nhân viên đến ngày 30/11.
Thanh Hảo/VNN