+
Aa
-
like
comment

Hai thách thức chờ Trung Quốc tại cuộc họp của WHO

18/05/2020 17:33

Cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới đầu tiên từ khi Covid-19 bùng phát đặt ra thách thức với Trung Quốc về cách xử lý đại dịch ban đầu và vấn đề Đài Loan. 

Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến khai mạc kỳ họp thường niên tại Geneva, Thụy Sĩ, vào hôm nay. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Mỹ liên tiếp công kích cách Trung Quốc xử lý Covid-19 ban đầu, đồng thời thúc đẩy giả thuyết nCoV “lọt” từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán.

Liên minh châu Âu (EU) và Australia được cho là cũng sẽ thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus tại cuộc họp. Thủ tướng Australia Scott Morrison từng nói “nguồn gốc khả dĩ nhất của nCoV là từ một chợ động vật hoang dã tươi sống”, tương tự quan điểm của WHO, nhưng cũng không loại trừ giả thuyết của chính quyền Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát công tác phòng chống Covid-19 tại Bắc Kinh hôm 10/2. Ảnh: Xinhua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát công tác phòng chống Covid-19 tại Bắc Kinh hôm 10/2.

Giữa lúc Covid-19 vẫn hoành hành toàn cầu, với hơn 4,8 triệu ca nhiễm và gần 317.000 người chết, cơn phẫn nộ với phản ứng ban đầu của Trung Quốc, nơi đại dịch khởi phát, dường như chưa nguôi ngoai. Ngoài cáo buộc che giấu dịch, công chúng còn được cho là ngày càng tức giận trước cách Trung Quốc mạnh tay đáp trả những lời chỉ trích.

Australia là ví dụ điển hình, khi Trung Quốc quyết định đình chỉ nhập khẩu thịt từ 4 nhà máy chế biến của nước này vì “lý do kỹ thuật”, đồng thời đe dọa tẩy chay hàng hóa. Canberra gọi lời đe dọa này là “áp bức kinh tế” và quyết không lùi bước trong việc thúc đẩy cuộc điều tra về nCoV.

“Không thể để mất các bằng chứng. Tôi nghĩ Australia, Mỹ, Anh, cũng như các nước khác trên khắp thế giới, đều muốn biết chuyện gì đã xảy ra, bởi chúng ta không muốn thấy nó lặp lại lần nữa”, Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp báo hôm 8/5.

Trong khi EU cân nhắc về đề xuất trước thềm cuộc họp WHA, Ủy ban châu Âu cho biết một bản dự thảo nghị quyết dự kiến kêu gọi “đánh giá độc lập về những bài học từ phản ứng quốc tế với Covid-19”.

Australia cho biết hoạt động này có thể tiến hành thông qua Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, được thành lập sau dịch Ebola hồi năm 2014, và Ủy ban Đánh giá Các quy định Y tế Quốc tế, cơ quan từng xem xét phản ứng với dịch cúm H1N1 vào năm 2009.

Dưới sự ủng hộ của Mỹ, nhiều nước còn thúc đẩy việc cho phép Đài Loan, nơi hiếm hoi trên thế giới xử lý Covid-19 thành công, tham gia cuộc họp WHA với tư cách quan sát viên. Động thái này, với mục đích tăng cường quan hệ cho Đài Loan, được cho là chạm phải “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc, bởi nước này coi hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất.

WHO cho biết Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc người Ethiopia của tổ chức, không có thẩm quyền mời Đài Loan đến WHA, bởi không nhận được “sự ủng hộ rõ ràng” từ các quốc gia thành viên. Hồi tháng 4, Tedros còn cáo buộc Đài Loan đứng sau một chiến dịch phân biệt chủng tộc chống lại ông và người châu Phi nói chung, điều mà Đài Bắc coi là “vu khống”.

Đài Loan từng tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn nồng ấm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gây sức ép tước tư cách quan sát viên WHA của Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách “Một Trung Quốc”, trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016.

Người phát ngôn phái bộ Mỹ tại WHO cho biết Washington muốn Đài Bắc tham gia WHA với tư cách quan sát viên, bởi kinh nghiệm chống Covid-19 thành công của họ “sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả thế giới”. “Trung Quốc không muốn thành công đó được chia sẻ, rõ ràng nhằm tránh bị so sánh”, phát ngôn viên nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết họ “kiên quyết phản đối” các quốc gia đề xuất mời Đài Loan dự cuộc họp, đồng thời chỉ trích lời kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc nCoV là “âm mưu chính trị”.

“Một số quốc gia nhất định khăng khăng thảo luận về những đề xuất liên quan đến Đài Loan nhằm chính trị hóa một vấn đề y tế cộng đồng. Điều này chỉ khiến tiến trình của hội nghị bị can thiệp nghiêm trọng, đồng thời làm suy yếu sự hợp tác quốc tế”, ông Triệu phát biểu hôm 15/5.

Theo Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, nước này tự tin rằng phần lớn quốc gia sẽ không đồng tình với việc để Đài Loan dự WHA, họ cũng “không bao giờ” cho phép điều tra độc lập trong lãnh thổ của mình.

“Lập trường cơ bản của Trung Quốc rõ ràng là phủ nhận chỉ trích, tập trung vào những nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu. Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm, nên sẽ phản đối gay gắt những cáo buộc họ che đậy, cũng như yêu cầu chịu trách nhiệm”, ông Thời đánh giá.

Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung trong cuộc họp báo về nỗ lực tham dự WHA tại Đài Bắc hôm 15/5. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung trong cuộc họp báo về nỗ lực tham dự WHA tại Đài Bắc hôm 15/5.

Về mặt pháp lý, không có điều khoản nào trong các điều luật, nghị quyết và quy định của WHO ngăn Tedros mời Đài Loan đến WHA với tư cách quan sát viên, Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra, Mỹ, cho biết. Tuy nhiên, Kharis Templeman, chuyên gia tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, chỉ ra rằng phần lớn thành viên của WHA có khả năng sẽ ngăn Đài Loan dự cuộc họp.

“Đó là một thực tế trong chính trị thế giới hiện nay, rằng hầu hết quốc gia không sẵn sàng mạo hiểm quan hệ của họ với Trung Quốc bằng cách đưa ra những động thái mang tính ủng hộ Đài Loan. Chừng nào Bắc Kinh còn khiến các nước phải lựa chọn giữa hai điều trên, Đài Bắc vẫn sẽ thất bại”, Templeman giải thích.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, cho rằng Mỹ khó có thể phàn nàn về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong WHO hiện nay, bởi chính họ đã để cho Bắc Kinh nâng cao vai trò trong các tổ chức quốc tế suốt những năm qua. “Nếu Mỹ không muốn một trật tự quốc tế do Trung Quốc dẫn dắt, họ cần đấu tranh nhiều hơn vì tầm nhìn của chính mình trong những tổ chức đó”, Kennedy nói.

Giới chuyên gia đánh giá xung đột liên quan tới WHO hiện nay phản ánh vấn đề địa chính trị rộng lớn giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng quyết định ngừng cấp ngân sách cho WHO, cáo buộc tổ chức thiên vị Trung Quốc, thậm chí đề xuất thành lập một cơ quan thay thế. Tuy nhiên, nỗ lực thay thế WHO được cho là điều xa vời.

“Thật khó để tưởng tượng về một tổ chức y tế toàn cầu hoạt động hiệu quả mà thiếu Trung Quốc. Mỹ cũng khó có thể coi việc Đài Loan tham gia WHA là lằn ranh đỏ”, Natasha Kassam, cựu quan chức ngoại giao người Australia tại Trung Quốc, nhận định.

(Theo Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều