+
Aa
-
like
comment

Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát ngăn cản ngư dân trục vớt tàu gặp nạn

10/10/2019 15:07

Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục áp sát, không cho nhóm ngư dân cứu con tàu có nguy cơ chìm ở rạn đá gần đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Trở về sau hơn 10 ngày bám trụ vùng biển Hoàng Sa để cứu con tàu mắc cạn của mình, ông Nguyễn Đình Bê (56 tuổi, quê Quảng Ngãi) không giấu được vẻ mệt mỏi và giận dữ vì nỗ lực bất thành.

Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục áp sát, không cho nhóm ngư dân cứu con tàu có nguy cơ chìm ở rạn đá gần đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). (ảnh minh họa)
Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục áp sát, không cho nhóm ngư dân cứu con tàu có nguy cơ chìm ở rạn đá gần đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). (ảnh minh họa)

4h ngày 26/9, tàu cá ĐNa 90929 440CV do ông Bê làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu chuẩn bị thu gom lưới ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ nghe tiếng va chạm mạnh ở thân trước. Soi đèn kiểm tra, ông phát hiện tàu mình đã bị mắc cạn trên bãi đá ngầm gần đảo Bạch Quy.

Ông Bê vội đánh thức 8 thuyền viên còn lại để hỗ trợ dịch chuyển con tàu nhưng lúc này biển động, sóng lớn ngày càng đẩy con tàu mắc kẹt sâu hơn vào bãi đá ngầm. Những cú dập của sóng và mũi nhọn lởm chởm của đá ngầm khiến nước tràn vào khoang tàu, đe dọa chìm. “Hai tiếng sau, biết không thể cứu được mà cũng không thể ở lại tàu, tôi gọi điện cho cứu hộ”, ngư dân Nguyễn Đình Bê kể.

Lúc 9h, tàu cá Quảng Ngãi 95563 đến ứng cứu. 9 thuyền viên gặp nạn không kịp mang theo tài sản gì đáng giá, mặc nguyên quần đùi nhảy sang tàu bạn để đảm bảo tính mạng. Khi các ngư dân vừa rời khỏi con tàu mắc cạn, cũng là lúc hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện.

“Hai tàu này có số hiệu 4302 và 4301 đã áp sát, hú còi, phát loa bắt chúng tôi đi khỏi khu vực nhưng tất cả chúng tôi nhất quyết không chịu rời. Tôi nhờ tàu bạn chạy quanh con tàu đang mắc cạn của mình bởi đó là khối tài sản quá lớn”, ông Bê nói và kể tiếp, tàu cảnh sát biển Trung Quốc sau đó thả ca nô tiếp cận, ngăn cản ngư dân trục vớt tàu.

Các ngư dân biết không thể chống đỡ đã nổ máy cho tàu ra xa, nhưng “tàu Trung Quốc vẫn đi theo phía sau đến khoảng 40 hải lý nữa mới chịu dừng lại”.

Ngư dân Nguyễn Đình Bê mệt mỏi sau nhiều ngày bám biển cứu tàu. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngư dân Nguyễn Đình Bê mệt mỏi sau nhiều ngày bám biển cứu tàu. Ảnh: Nguyễn Đông.

Là ngư dân đã hơn 30 năm bám trụ ngư trường Hoàng Sa, ông Bê biết khu vực này có bãi đá ngầm nhưng vì tầm nhìn hạn chế nên mới để tàu mắc cạn. Toàn bộ 2 tấn cá ngừ thành quả của 9 ngày ra khơi đánh bắt, gần 4.000 lít dầu và nhiều thiết bị đi biển đắt tiền của con tàu DNa 90929, ước tính giá trị khoảng 4 tỷ đồng nằm lại giữa biển.

Thuyền trưởng Nguyễn Đình Bê gửi 8 thuyền viên về bờ, còn mình thì ở lại tìm cách cứu con tàu về. Ngày 27/9, khi được chuyển sang một tàu khác, ông Bê tiếp tục quay lại nơi tàu của mình gặp nạn với hy vọng nước lớn sẽ đẩy được con tàu xuống biển. 22h, ông nhìn thấy con tàu vẫn còn chênh vênh trên mỏm đá, nhưng không thể nào lại gần hơn vì tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang ở đó.

Không cam chịu buông xuôi, ông Bê liên lạc với đất liền và báo cho vợ là bà Phạm Thị Nuôi thuê tàu đi trục vớt. Bà Nuôi lặn lội từ Đà Nẵng vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ký hợp đồng cả trăm triệu đồng thuê hai tàu xuất bến, trực chỉ hướng Hoàng Sa.

Ngày 3/10, hai tàu được thuê có mặt gần đảo Bạch Quy với phương án trục vớt là cột phao hơi rồi bơm căng lên, sau đó kéo tàu ra khỏi bãi đá. Lúc 10h, hai ca nô của cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện. Sau một hồi ra hiệu, những người trên ca nô nói ngư dân Việt Nam được trục vớt nhưng yêu cầu phải xong trước 15h.

Tàu cá của ông Bê nằm gác trên bãi đá. Ảnh: Ngư dân cung cấp.
Tàu cá của ông Bê nằm gác trên bãi đá. Ảnh: Ngư dân cung cấp.

Mấy chục ngư dân nỗ lực hết sức vẫn không thể đẩy được con tàu thoát ra ngoài trong thời gian vỏn vẹn 5 tiếng. Khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc quay lại, các ngư dân đang chuẩn bị đưa phao vào bơm hơi kích tàu nổi lên để kéo ra. “Họ nhất quyết không cho chúng tôi trục vớt nữa. Mặc cho nước mắt tôi chảy để năn nỉ xin thêm thời gian đến 22h”, ông Bê kể lại.

Bám trụ thêm 10 ngày trên biển, ông Bê cố gắng lắm cũng chỉ thu gom được một phần số lưới thả trôi. Con tàu mắc cạn vẫn nằm lại giữa biển, trong khi ông không mua bảo hiểm cho nó. “Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm, nhưng việc tìm người đi biển khó quá, cứ thuê đủ người là tôi lại nổ máy ra khơi nên chưa kịp mua”, ông nói trong nuối tiếc.

Ngồi cạnh chồng, bà Phạm Thị Nuôi cho hay, con tàu là gia tài và nguồn thu nhập chính của gia đình, vì vậy “mong các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ để chồng tôi tiếp tục bám biển”. Ông Bê nói thêm gia đình đã trình báo sự việc với biên phòng và mong muốn có thể kéo được tàu về bờ sửa chữa “vớt vát được phần nào”.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng, cơ quan chức năng thành phố đã gửi văn bản đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, đề nghị phía Trung Quốc ngừng cản trở và hỗ trợ ngư dân Việt Nam kéo tàu về.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin, tàu cá ĐNa 90929 TS chở theo 9 ngư dân bị phá nước, chìm lúc 5h00 ngày 26/9, cách đảo Bạch Quy khoảng 5 hải lý.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Trung quốc hỗ trợ, giúp đỡ chủ tàu cá trục vớt tàu và tài sản. Chủ tàu bị nạn đã thuê 2 tàu cá (QNg 90019TS và QNg 66018TS) đến hiện trường. Tuy nhiên, lúc 14h20 ngày 3/10, phía Trung Quốc điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt tàu chìm của ngư dân.

Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các cơ quan chức năng liên quan triển khai biện pháp hỗ trợ chủ tàu cá ĐNa 90929 TS.

Nguyễn Đông/VnExpress

Bài mới
Đọc nhiều