Hai quyết định quan trọng của TP.HCM về quy hoạch đến 2040
Ngày 30-9, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố các quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năn 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Theo UBND TP, đây là cơ sở vô cùng quan trọng để TP tiến hành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP trong thời gian tới.
100.000 – 110.000 ha đất để phát triển đô thị
Giữa tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần như cùng lúc hai QĐ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (QĐ 1528/2021) và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức đến năm 2040 (QĐ 1538/2021).
Theo QĐ 1528, quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 của toàn TP sẽ là khoảng 13-14 triệu người. Quy mô đất đai để phát triển đô thị trong vòng 20 năm tới cũng được xác định khoảng 100.000-110.000 ha. Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch.
Theo QĐ của Chính phủ, TP.HCM vẫn là đô thị loại đặc biệt trực thuộc trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo.
TP có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, là đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, quốc gia và quốc tế; là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam.
Trong kỳ điều chỉnh này, Chính phủ yêu cầu TP cần phải xác định tính chất, tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển đô thị. Cụ thể là xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng: TP.HCM là TP đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn.
TP phải trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, là TP có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong định hướng phát triển không gian đô thị của TP, QĐ 1528 nhấn mạnh đến yếu tố liên kết không gian vùng, kết nối với các đô thị trọng điểm trong vùng TP.HCM. Trong đó, đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP.HCM với TP Thủ Đức, giữa khu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững củaTP.
TP có nhiều đặc trưng riêng biệt, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhiều khu vực sinh thái, cảnh quan môi trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Do đó phải hết sức quan tâm, có giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đó một cách có hiệu quả trong quá trình phát triển năng động của TP.
Ông LÊ HÒA BÌNH, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Cùng với đó, nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức theo QĐ 1538, Chính phủ xác định là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao. Đây sẽ là trung tâm phía đông của TP về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục – đào tạo.
TP Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục – đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại – dịch vụ.
TP Thủ Đức có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của TP và vùng TP. Đồng thời, là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TP.HCM.
Không để ách tắc hoạt động doanh nghiệp, xáo trộn đời sống nhân dân
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình nhấn mạnh ngay sau khi có các QĐ của Thủ tướng, TP bắt tay triển khai ngay việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP và đồ án quy hoạch chung của TP Thủ Đức. Dự kiến đến quý II-2023, TP sẽ hoàn thành xong việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung của TP và cuối năm 2021 sẽ hoàn thành đồ án quy hoạch chung của TP Thủ Đức.
Ông Bình chỉ đạo Sở QH-KT cần nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn phát triển đặt ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP cần phối hợp đồng bộ với quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành khác.
Đồng thời, giao Sở QH-KT tăng cường các giải pháp liên kết vùng, tuân thủ định hướng phát triển vùng đã được Chính phủ phê duyệt với quan điểm phát triển mở, tạo điều kiện nâng cao vai trò đầu tàu của TP, hợp tác, chia sẻ cùng đồng hành phát triển với các tỉnh bạn lân cận. Phó chủ tịch UBND TP cũng lưu ý Sở QH-KT cần nghiên cứu khảo sát các mô hình đô thị lớn trên thế giới, các bài học kinh nghiệm và những dự án đột phá của họ để tham khảo và đề xuất trong đồ án lần này.
Ông Bình đặc biệt lưu ý trong quá trình làm đồ án cần kế thừa các ý tưởng, định hướng, giải pháp quy hoạch đúng đắn, phù hợp của các đồ án trước đây. “Phải nghiên cứu, đánh giá hiện trạng hết sức nghiêm túc, cả hiện trạng xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hiện trạng pháp lý về quy hoạch, dự án đầu tư nhằm tránh gây xáo trộn đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp” – ông Bình nói.
Dự báo sơ bộ các chỉ tiêu phát triển của TP Thủ Đức
Theo QĐ 1538 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến năm 2030, dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040, đạt khoảng 2,2 triệu người; hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.
Đến năm 2030, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 18.830 ha; đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 19.994 ha.
Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch.
Ngọc Anh