+
Aa
-
like
comment

Hải quân Việt Nam xem kỹ tàu Karakurt cực mạnh của Nga

31/03/2021 16:09

Mặc dù có kích thước khiêm tốn nhưng tàu hộ vệ tên lửa Karakurt được trang bị hỏa lực vô cùng mạnh và có khả năng vươn ra các vùng biển xa bờ, phù hợp với Hải quân Việt Nam.

Hải quân Việt Nam xem kỹ tàu Karakurt cực mạnh của Nga: Manh nha từ 2016, sắp có tin vui?

Hải quân Việt Nam nghiên cứu tàu hộ vệ tên lửa mới nhất của Nga

Như chúng tôi đã, trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Triển lãm IMDS-2019 tại Nga, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng BQP) dẫn đầu đã đã thăm tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E thuộc Dự án 22800 và một số vũ khí hiện đại khác do Nga giới thiệu.

Việc Đoàn BQP Việt Nam thăm đích danh và nghe giới thiệu sâu về các đặc tính kỹ chiến thuật của tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E thuộc Dự án 22800 cho thấy dấu hiệu rất tích cực, đó chính là những thứ mà Hải quân Việt Nam đang cần để nâng cao khả năng tác chiến bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E thuộc Dự án 22800 là chiến hạm uy lực mới nhất của Hải quân Nga, được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao nhờ được trang bị hỏa lực vô cùng mạnh và có khả năng vươn ra các vùng biển xa bờ, và thế hệ tàu tên lửa cỡ nhỏ mới của Nga sẽ giúp cho nước này vẫn có được một lực lượng hải quân hùng hậu nhưng với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Theo kế hoạch, Hải quân Nga dự kiến sẽ đóng từ 16 tới 18 chiếc tàu loại này. Tính tới cuối năm 2020, đã có tổng cộng 16 chiếc được đặt ky và trong số 8 chiếc đã hạ thủy thì có 3 chiếc được đưa vào biên chế chiến đấu.

Chiếc tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E đầu tiên thuộc Dự án 22800 mang tên Mytishchi (trước đó là Uragan) đã chính thức gia nhập Hải quân Nga và biên chế cho Hạm đội Biển Baltic từ tháng 12/2018.

Hải quân Việt Nam xem kỹ tàu Karakurt cực mạnh của Nga: Manh nha từ 2016, sắp có tin vui? - Ảnh 2.
Cấu hình vũ khí của tàu tên lửa tấn công nhanh hạng nhẹ lớp 22800E “Karakurt-E”. Ảnh: Bastion-karpenko.ru

Manh nha từ 2016, chiến hạm cực mạnh của Nga sẽ về Việt Nam?

Hãng thông tấn FlotProm (Nga) dẫn tin trên từ tuyên bố của Đại diện Phòng thiết kế Almaz trong lần ra mắt tàu tên lửa tấn công nhanh hạng nhẹ 22800E Karakurt-E tại “Army-2016” rằng:

“Hiện chưa có thoả thuận cụ thể nào với các khách hàng nước ngoài. Nhưng những khách hàng tiềm năng là Việt Nam, Ai Cập, Algeria – tất cả những nước đã mua một loạt các tàu chiến có độ giãn nước tương tự, ví dụ như các tàu tên lửa dự án “Molnya”.

Việc Hải quân Việt Nam nghiên cứu tàu tên lửa tấn công nhanh hạng nhẹ 22800E Karakurt-E là rất phù hợp bởi lẽ:

Thứ nhất, Hải quân Nga đóng mới hàng loạt tàu loại này cho thấy tương lai của nó rất sáng sủa, nếu Việt Nam đặt mua, chúng ta có thể được hưởng mức giá phải chăng, do dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh đã có sẵn cũng như chi phí thiết kế được phân bổ cho nhiều tàu nên sẽ giúp giảm đáng kể giá thành.

Một khi quốc gia chế tạo ra lớp tàu này tin dùng thì không có gì phải nghĩ về chất lượng và đặc tính kỹ-chiến thuật cũng như nguồn cung cấp phụ tùng dự trữ, khả năng nâng cấp sau này.

Thứ hai, Karakurt-E có tính năng tàng hình do thượng tầng được thiết kế tối ưu giúp tán xạ sóng radar, khiến cho tín hiệu của con tàu trên màn hiện sóng của đối phương là cực nhỏ. Đây là một trong những đặc tính cần có và phải có của các tàu chiến hiện đại.

Thứ ba, “nhỏ nhưng có võ”. Thật vậy, dù lượng choán nước khá khiêm tốn, chỉ khoảng gần 900 tấn nhưng dàn vũ khí của Karakurt-E là cực khủng, vừa có khả năng tấn công lại vừa phòng thủ tốt.

Cụ thể, bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK được bố trí hợp lý ở khu vực giữa tàu có thể mang phóng 8 tên lửa. Tùy theo từng nhiệm vụ, tàu có thể mang một loại hoặc tất cả các loại vũ khí như tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Kalibr-NK, tên lửa hành trình đối đất 3M-14T hoặc tên lửa chống ngầm 91RE.

Hải quân Việt Nam có thể chọn cấu hình Karakurt-E có trang bị hệ thống phòng không Pantsir-M có tầm bắn tối đa tới 20km và hệ thống tên lửa Germes-K hoàn toàn mới, với hệ thống dẫn đường hỗ trợ bởi máy bay không người lái (UAV), giúp tàu phòng vệ trước các loại mục tiêu bay thấp như máy bay cánh cố định, UAV, tên lửa diệt hạm của đối phương.

Hệ thống điện tử của Karakurt được đánh giá là tuyệt hảo do được trang bị tới 4 radar mảng pha quét chủ động (AFAR), giúp nhìn vòng đủ 360 độ.

Hải quân Việt Nam xem kỹ tàu Karakurt cực mạnh của Nga: Manh nha từ 2016, sắp có tin vui? - Ảnh 4.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt-E – Dự án 22800E được Nga giới thiệu tại Triển lãm IDMS 2019.

Mặc dù, Nga gần đây đã cho ra mắt phiên bản nâng cấp với hỏa lực “khủng” hơn nhiều như 2 cụm ống phóng UKSK với 16 tên lửa Kalibr; bên cạnh đó là 2 cụm VLS khác dành cho tên lửa phòng không Redut, mang được 8 đạn tầm trung 9M96 hoặc tới 32 đạn tầm ngắn 9M100.

Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn thêm hệ thống định vị thủy âm (sonar) và ngư lôi săn ngầm Paket-MK cỡ 330 mm.

Thứ tư, rất phù hợp với chiến thuật đánh nhanh, rút nhanh trên biển. Tàu có tốc độ tối đa tới 30 hải lý/h và tầm hoạt động 5.500km với dự trữ nhiên liệu, nhu yếu phẩm đủ cho kíp tàu hoạt động độc lập trên biển tới 15 ngày và có thể lâu hơn nhiều nếu liên tục có tàu tiếp tế bổ sung.

Thứ năm, một trong những ưu điểm vượt trội của Karakurt-E là tiết kiệm, chi phi chế tạo thấp, vận hành đơn giản nhưng ổn định và tin cậy theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, rất phù hợp với các khách hàng có ngân sách quốc phòng khiêm tốn như Việt Nam.

Điều này đã được chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov khẳng định trên tờ Izvestia răng:

“Tàu Karakurt sẽ có chi phí thấp hơn các tàu hộ tống và tuần dương trước đây nhưng khả năng hỏa lực thì lại ấn tượng không kém.

Sẽ chỉ mất một năm để đóng mới một chiếc tàu Karakurt, tức là trong một vài năm, Nga có thể sở hữu cả một hạm đội hùng mạnh các tàu có khả năng mang tên lửa tầm xa và hoạt động được xa bờ”.

Hy vọng trong tương lai gần, tin vui cụ thể về việc Hải quân Việt Nam đặt mua tàu hộ vệ tên lửa Karakurt của Nga có thể trở thành hiện thực.

Nhiều tàu tên lửa Hải quân Việt Nam đồng loạt khai hỏa, mục tiêu tan nát: Nhìn lại khoảnh khắc ngoạn mục chưa từng có

Bình Nguyên

Bài mới
Đọc nhiều