+
Aa
-
like
comment

Hải quân Việt Nam đột phá lớn với sản phẩm “made in Việt Nam”

15/04/2021 12:03

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong những năm gần đây đã có những tiến bộ vượt bậc. Chúng ta không chỉ thành công với radar “Made in Vietnam” mà tới đây có thể là cả tên lửa nữa.

Từ tên lửa diệt hạm “Made in Vietnam”…

Vào tháng 5/2020, trong một phóng sự phát trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, lần đầu tiên dòng tên lửa hành trình diệt hạm VCM-01 đã được giới thiệu.

Có thể nói đây là một thành tựu vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam và tin vui này lập tức được một số hãng thông tấn nước ngoài dẫn lại như Sputnik, Army-technology, Navyrecognition, Militarywatchmagazine,…

Mặc dù tính năng kỹ – chiến thuật của VCM-01 chưa được công bố, nhưng cả Navyrecognition và Militarywatchmagazine đều nhận định đây có thể là một bước phát triển mới từ KCT-15 “Made in Vietnam” dựa trên mẫu tên lửa 3M24E (Kh-35) Uran-E của Nga.

Tên lửa hiện đại Made in Vietnam bứt tốc thần kỳ: Hải quân Việt Nam đột phá lớn - Ảnh 1.
Tên lửa hiện đại Made in Vietnam bứt tốc thần kỳ: Hải quân Việt Nam đột phá lớn - Ảnh 2.
Tên lửa hành trình diệt hạm VCM-01 “Made in Vietnam”. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Được biết tên lửa hành trình chống hạm KCT-15 lần đầu ra mắt tại cuộc Triển lãm thành tựu kinh tế – quốc phòng của Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh.

Các hãng tin nước ngoài nhận định, tên lửa VCM-01 mới của Việt Nam có ngoại hình khá giống với Kh-35UE, biến thể mới, hiện đại và có tầm bắn xa nhất của họ tên lửa 3M24E (Kh-35) do Nga chế tạo.

Theo giới thiệu của Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport thì tên lửa Kh-35UE (đã xuất hiện tại triển lãm MAKS-2009) có tầm bắn lên tới 260km, gấp đôi so với phiên bản đầu tiên.

Tên lửa Kh-35UE sở hữu các tính năng vượt trội như kích thước nhỏ gọn, bay cực thấp bám đỉnh sóng, sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp có khả năng kháng nhiễu tốt, đảm bảo tấn công chính xác mục tiêu.

Đầu chiến đấu nặng 145kg, đủ sức đánh chìm các loại tàu chiến, tàu đổ bộ có lượng choán nước tới 5.000 tấn.

Đặc biệt, mặc dù chỉ là tên lửa diệt hạm có tốc độ cận âm, nhưng nhờ nhỏ gọn lại bay cực thấp, khó bị radar phát hiện kết hợp với chiến thuật “bầy sói” nhiều tên lửa cùng lúc tấn công một hoặc một nhóm tàu khiến các hệ thống phòng thủ của đối phương bị bão hòa và có thể bị xuyên thủng.

Việc lựa chọn mua giấy phép chuyển giao công nghệ để phát triển tên lửa Kh-35 (với các phiên bản KCT-15 và sau này là VCM-01) của Công nghiệp quốc phòng Việt Nam là quyết định hoàn toàn chính xác.

Trước đó, ngày 9/6/2016, Defense-blog dẫn thông báo từ tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) cho biết hãng này đã cung cấp cho Việt Nam ba mẫu thiết kế của các phiên bản tên lửa khác nhau theo yêu cầu của Việt Nam.

Tên lửa hiện đại Made in Vietnam bứt tốc thần kỳ: Hải quân Việt Nam đột phá lớn - Ảnh 4.
Tên lửa chống hạm KCT-15 do Việt Nam chế tạo. Ảnh: VOV.

… tới ước mơ “lá chắn thép” Rubezh-ME sử dụng tên lửa nội địa

Hiện chưa rõ mức độ hoàn thiện của các mẫu tên lửa KCT-15 và VCM-01 “Made in Vietnam” tới đâu nhưng dường như quá trình sản xuất loạt có thể sẽ không còn lâu nữa.

Một khi phát triển thành công tên lửa hành trình diệt hạm dưa trên giấy phép chuyển giao công nghệ của Nga, công nghiệp quốc phòng Việt Nam có thể sản xuất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quả đạn.

Do hệ thống phóng tương đối đơn giản, chúng có thể trang bị cho các lớp chiến hạm như tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9, tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 hay BPS-500.

Và hơn thế nữa, nếu chúng ta mua Rubezh-ME từ Nga, không loại trừ khả năng tên lửa KCT-15 và VCM-01 (hoặc các biến thể của chúng) sẽ được trang bị cho hệ thống tên lửa bờ rất hiện đại này.

Theo catalogue giới thiệu Triển lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 9 (IMDS) tháng 7/2019 tại St-Petersburg, Rubezh-ME được phát triển dựa trên tổ hợp tên lửa bờ Bal-E – tổ hợp phòng thù bờ biển chủ lực của quân đội Nga hiện nay.

Hệ thống này sử dụng được tất cả các phiên bản tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 và so sánh với Bal-E, mỗi xe mang phóng của Rubezh-ME như một tổ hợp thu nhỏ, có thể bố trí phân tán nhưng sẵn sàng “giội mưa tên lửa” vào mục tiêu cùng lúc.

Nếu Việt Nam tự sản xuất được các biến thể của tên lửa Kh-35, không lý do gì chúng lại không được tích hợp lên các xe bệ phóng của tổ hợp Rubezh-ME.

Hy vọng trong tương lai không xa, ước mơ Hải quân Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME sử dụng tên lửa do chính công nghiệp quốc phòng Việt Nam chế tạo, sẽ trở thành sự thực.

Bình Nguyên

Bài mới
Đọc nhiều